MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm lời giải cho bài toán tái chế rác thải nhựa

Hồng Diệp LDO | 13/11/2023 17:45

Không thể phủ nhận giá trị sử dụng của vật dụng nhựa trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào rác thải nhựa đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.

Nhức nhối vấn đề rác thải nhựa

Những bao bì sử dụng một lần như ly nhựa, hộp nhựa, ống hút, túi nilon... đang trở thành một phần thân thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Từ chợ dân sinh tới các quán ăn, đa phần ưu tiên sử dụng túi nilon trong việc mua bán.

Nhận thức được điều này, chị Diệu An trú tại quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên đặt hàng đồ ăn, mỗi lần đặt cho cả 10-20 người cùng công ty. Một món ăn thường có 3-4 sản phẩm như hộp, thìa, túi nilon đều làm từ nhựa. Khi ăn xong để lại một số lượng rác thải nhựa rất lớn, nhưng cũng không biết phải làm thế nào vì đó là bao bì mà quán đã chuẩn bị".

Thực tế, nhiều loại rác thải nhựa chỉ có thể sử dụng một lần, không có khả năng tái chế, nhưng được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Ảnh: Hải Danh

Trên thực tế, những loại rác thải nhựa này đa số chỉ có thể sử dụng một lần, không có khả năng tái chế, nhưng số lượng thì tăng chóng mặt.

“Tôi đi thu gom rác một buổi sáng, đến 2/3 xe rác là các bao bì nhựa, nhiều vô kể. Chúng tôi rất khó phân loại vì số lượng quá lớn. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam chỉ có hai cách xử lý rác thải nhựa: một là đốt nhưng số lượng nhà máy còn ít, hơn nữa khí đốt cũng rất độc hại; hai là chôn lấp mà không biết bao giờ mới có thể phân huỷ" - chị Trần Thị Hảo - quản lý Đội công nhân vệ sinh môi trường phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ.

Thách thức trong vấn đề thay đổi

Thực tế, rác thải nhựa khối lượng rất nhẹ, nhưng kích thước lại cồng kềnh và tác hại vô cùng lớn tới môi trường.

Vấn đề xử lý rác thải nhựa được PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng là một thách thức với Việt Nam.

Xe rác cao hơn đầu, chất đầy rác thải nhựa. Ảnh: Hải Danh

“Lượng rác thải giấy, rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì đóng gói lương thực thực phẩm là một thách thức rất lớn của toàn cầu. Tuy nhiên, việc phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng của nhiều nước thực hiện tốt nên không gây ra vấn đề lớn. Nếu như chúng ta cũng thực hiện được quá trình này, người dân ý thức được việc phân loại theo các chất tái chế, tái sử dụng thì việc xử lý ô nhiễm rác thải nhựa hoàn toàn có thể triển khai trong thời gian tới” - bà An nhận định.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc phân loại và xử lý rác thải nhựa đúng cách hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân và doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy định đã yêu cầu người dân không sử dụng túi nhựa, sản phẩm sử dụng một lần, giảm các loại hình thức bao bì đóng gói đối với lương thực thực phẩm.

Để có thể thực hiện thành công các yêu cầu này, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải và thu gom rác thải đúng cách chính là việc làm tiên quyết, quan trọng hàng đầu.

Vấn đề rác thải nhựa có thể được giải quyết khi có những biện pháp tuyên truyền, định hướng hiệu quả cho người dân biết về mức độ quan trọng trong việc phân loại và xử lý rác thải nhựa đúng cách.

Đồng thời cần tìm ra biện pháp tối ưu nhất trong việc tái chế và hướng đi cho việc xử lý rác thải nhựa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn