MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến, việc đánh chuyển di dời hàng hoa sữa ở phố Trích Sài sẽ hoàn thành trong tháng 8.2019. Ảnh: An ninh thủ đô

Tìm "ứng cử viên" thay hàng hoa sữa phố Trích Sài

Nguyễn Hà LDO | 24/07/2019 18:50

Giáng hương được một số chuyên gia cho là loài cây phù hợp hơn cả để thay thế hàng hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang được di chuyển đến bãi rác Nam Sơn.

Giáng hương, muồng hoàng yến hay sen thân gỗ?

Về việc di dời hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài, Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện tại quận đã di chuyển được 58/ 96 cây lên bãi rác Nam Sơn. UBND quận cũng đang đề xuất với UBND thành phố về việc trồng lại cây trên tuyến phố này.

"Chúng tôi đang đề xuất hai phương án. Thứ nhất là sử dụng cây hoa giáng hương với đường kính là trên 20cm; chiều cao mỗi cây từ 6m đến 8m; khoảng cách mỗi cây là 7m. Phương án thứ hai là chủng loại cây sen thân gỗ và muồng hoàng yến với đường kính trên 10cm; chiều cao 6m đến 8m, khoảng cách mỗi cây là 7m. Trên cơ sở chấp thuận của UBND thành phố, chúng tôi sẽ lập dự toán, chi phí sau khi có các chủng loại cây này sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”, ông Hoàng cho biết.

Nói về 3 loại cây trong phương án thay thế hoa sữa trên phố Trích Sài, ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: cả 3 loại cây này vốn đều được trồng ở Hà Nội.

“Tuy nhiên trong ba loài cây này thì trồng cây giáng hương hợp lý hơn vì độ phủ tán che lớn, tỏa được bóng mát, mùa hè cây ra kín lá nên rất mát, dù có nhược điểm là đến mùa khô thì cây rụng sạch lá. Cây giáng hương hay thường được gọi là cây giáng hương trái tròn, cây đinh hương. Thuộc cây họ Đậu được trồng tương đối phổ biến tại nước ta.

Còn muồng hoàng yến thì tán thưa, vào mùa ra hoa rụng nhiều, chỉ hợp trồng trong công viên hoặc vườn hoa. Muồng hoàng yến có nguồn gốc ở Tây Nguyên đưa ra ngoài Bắc trồng và đã trụ được ở Hà Nội, nhưng muồng hoàng yếu nếu trồng trên đường phố thì cũng chỉ nên chọn đường có nhiều cây cảnh, còn nếu muốn trồng để tạo bóng mát thì không nên trồng”, ông Cường nói.

Hoa sữa không để khử mùi bãi rác

Trước thông tin quận Tây Hồ đang chuyển 100 cây hoa sữa lên bãi rác Nam Sơn, ông Lê Huy Cường cho rằng: chuyển cây hoa sữa và việc khử mùi bãi rác là 2 vấn đề khác hẳn nhau. Ông Cường cho biết, với những tuyến phố nội đô có hàng hoa sữa dày, từ lâu đã có ý kiến phải tỉa bớt đi, chỉ để mùi hương thoang thoảng. Nếu để cả trăm cây hoa sữa gần nhau, khi ra hoa nở mùi rất khó chịu, chưa kể bụi phấn hoa có thể gây viêm mũi, viêm xoang.

“Việc chuyển cây hoa sữa lên bãi rác Nam Sơn  (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhằm mục đích khử mùi là việc không thể thực hiện được vì 2 mùi đó xung khắc nhau làm sao có thể khử mùi cho nhau được, không có tác dụng gì cả", ông Cường nói.

Theo UBND Quận Tây Hồ, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng số 103 cây, trong đó  chỉ có 1 cây muồng hoàng yến, còn lại alf 102 cây hoa sữa. Hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài rễ cây nổi qua thời gian gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè.

Bên cạnh đó, hoa sữa có hương ngào ngạt và nồng nặc ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Do vậy nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và của đại biểu Quốc hội. UBND quận Tây Hồ đã báo cáo đề xuất và được UBND Thành phố Hà Nội cho phép về việc di chuyển, trồng thay thế cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn