MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Hà Phan

Tổng cục Môi trường nói về cách xử lý vụ chặn xe rác vào Nam Sơn của Hà Nội

Nguyễn Hà - Phan Anh LDO | 20/07/2020 16:44

Liên quan đến việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho rằng Hà Nội đã xử lý rất tốt khi yêu cầu cơ quan chuyên môn nhanh chóng tìm bãi rác tạm thời, tránh tình trạng ùn ứ quá nhiều trong nội đô.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 20.7, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, vấn đề rác thải sinh hoạt vẫn là vấn đề nhức nhối, từ Trung ương đến địa phương đều đang đau đầu để đưa ra bài toán xử lý. 

Vừa qua, tại Hà Nội, người dân tiếp tục chặn xe rác vào bãi Nam Sơn, việc này đã được Hà Nội "giải quyết rất tốt", hiện nay đã giải toả được rồi.

Theo ông Thức, mấy năm qua thỉnh thoảng lại có vụ việc như vậy do có những nguyên nhân. Trước hết là vị trí đặt quy hoạch, khoảng cách khu bãi rác đến nơi người dân sinh sống phải đảm bảo quy định cách 500m nhưng vẫn có bãi rác chỉ cách mấy trăm mét. Khi bãi rác hoạt động gây ô nhiễm mùi, nước và người dân có ý kiến đề nghị chính quyền phải có giải pháp di dời. 

Như Hà Nội vừa rồi người dân có ý kiến là ngoài việc nhận tiền bồi thường thì cũng mong muốn được di dời.

Công nhân môi trường làm việc hết công suất khi bãi rác Nam Sơn bị chặn. Ảnh: Giang Đông 

Thứ hai là công nghệ xử lý, trong toàn quốc hiện nay vẫn có 71% là chôn lấp hợp vệ sinh và không hợp vệ sinh. Tỉ lệ dùng công nghệ khác là rất thấp, việc đốt chỉ có 13%.

Đối với các thành phố lớn, đô thị lớn mà lượng rác sinh hoạt phát sinh nhiều hàng ngày như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, Cần Thơ... nên được khuyến khích các công nghệ xử lý tiên tiến hiện đại, đốt phát điện hoặc công nghệ thu hồi năng lượng. 

Cũng theo ông Thức, vấn đề tiếp theo là nguồn lực, ở đây liên quan đến công nghệ, chúng ta phải giải quyết bài toán quy hoạch, công nghệ và nguồn lực. Công nghệ ở đây liên quan đến việc tổ chức, phân loại, thu gom từ nguồn và công nghệ nào sẽ có chu trình đi theo.

Tại sao trước đây chúng ta cũng đã thu gom nhưng không thành công, vì có thể chúng ta phân loại thí điểm cho một khu đô thị nào đó, phân ra 3 loại rác nhưng đến khi ra vẫn đổ chung vào 1 xe đưa ra bãi, như vậy là không thành công. Bài toán đó phải làm đồng bộ tại nguồn, đến khâu thu gom vận chuyển đến nơi xử lý cuối cùng thì cũng phải tính toán được công nghệ đó.

Theo ông Thức, về nguồn lực, vừa qua có 1 số tỉnh có cơ chế đột phá là xã hội hoá, đây được đánh giá là lĩnh vực xử lý về rác thải sinh hoạt là lĩnh vực có tiềm năng để kêu gọi xã hội hoá.

"Còn đối với Hà Nội, vừa qua Hà Nội đã xử lý rất tốt, mặc dù người dân chặn đường Nam Sơn nhưng thành phố đã chỉ đạo tạm thời phân luồng đến bãi rác tạm. Nhưng căn cơ tôi cho là, hiện nay Hà Nội đang đầu tư nhà máy đốt rác phát điện 4000 tấn tại Nam Sơn, 1-2 năm nữa khi nhà máy này được xây dựng xong sẽ thúc đẩy việc xử lý rác tốt, đồng thời xử lý công nghệ, giảm mùi hôi, bài toán của Thủ đô sẽ được giải quyết" - ông Thức nói.

Như Lao Động đã đưa tin, ngày 13.7, tại khu vực bãi rác Nam Sơn, người dân xã Hồng Kỳ và Nam Sơn tụ tập đông người, cản trở không cho xe vận chuyển rác vào, khiến nhiều xe rác bị tắc ở bên ngoài bãi. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên liên quan đến việc thành phố chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn