MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng mây mù tại TP. Hồ Chí Minh kéo dài từ ngày 18-22.9. Ảnh Hồ Dương.

TP. Hồ Chí Minh: Công bố nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Trần Khanh LDO | 26/09/2019 07:24

Tình trạng sương mù dày đặc kéo dài từ ngày 18 - 22.9 tại TP. Hồ Chí Minh được nhận định là bắt nguồn từ hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt. Quá trình này thường xảy ra vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, kết hợp với độ ẩm trong không khí cao gây tích tụ, ngưng kết các chất ô nhiễm có sẵn trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa.

Ngày 25.9, theo Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường (Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh), tình trạng mù quang hóa xuất hiện những ngày qua là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết tại TP. Hồ Chí Minh luôn ở trạng thái nhiều mây.

Ngoài ra, do nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng đã làm độ ẩm không khí tăng cao, khiến hơi nước bám vào các hạt nhân trong khí quyển và gây ra tình trạng mây mù.

Khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh bị sương mù bao phủ. Ảnh Hồ Dương. 

Bên cạnh đó, bức xạ làm nóng mặt đất thấp đã tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí ô nhiễm ở sát mặt đất không phát tán lên cao được. Vì vậy, lớp sương mù bụi bẩn càng dày đặc, lâu tan.

Cụ thể, kết quả tại 30 vị trí quan trắc môi trường trong tháng 9 cho thấy, chất lượng không khí từ ngày 3 - 20.9 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm. Đặc biệt, trong các ngày 18 - 20.9, mức tăng các chất ô nhiễm được ghi nhận như sau: Bụi lơ lửng (tăng 2,19 lần), PM10 (tăng 1,9 lần), NO2 (tăng 1,4 lần), CO (tăng 1,4 lần), PM2.5 (tăng 2,2 lần). 

Trưa ngày 20.9, dù trời nắng nhưng lớp mù vẫn bao phủ TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Hồ Dương 

Theo Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường, khi dãy hội tụ nhiệt đới không còn, gió mùa đông bắc chiếm ưu thế, mây mù sẽ giảm theo. Đồng thời, bức xạ mặt trời tăng làm giảm và loại bỏ hoàn toàn lớp nghịch nhiệt, sau đó khuếch tán các chất ô nhiễm theo phương thẳng đứng, cải thiện tình hình mù quang hóa.

Trong thời gian tới, Sở TNMT sẽ đẩy nhanh thực hiện đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn