MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Sương mù từ sáng đến trưa, do thời tiết hay ô nhiễm không khí?

HỮU HUY LDO | 15/09/2020 16:14
Những ngày qua, TPHCM xuất hiện lớp sương mù từ sáng sớm cho đến trưa. Nhiều người thắc mắc, nguyên nhân tạo nên hiện tượng này là do thời tiết hay ô nhiễm không khí?

Theo ghi nhận, từ sáng sớm ngày 14.9 và ngày 15.9, nhiều khu vực ở TPHCM xuất hiện lớp sương mù dày đặc. Nhiều tòa nhà cao tầng của thành phố cũng chìm sau màn sương mờ.

Trên nhiều tuyến đường, người dân cũng cảm nhận lớp sương mù cản trở tầm nhìn. Nhiều người đi đường lo ngại ô nhiễm nên đã trang bị khẩu trang để phòng tránh.

Trời nhiều mây, gió ít, thêm vào đó nắng cũng yếu nên khiến lớp sương mù lâu tan. Đến đầu giờ chiều 15.9, sương mù chỉ giảm chứ chưa tan hết.

Nhiều khu vực ở TPHCM chìm sau lớp sương mù. Ảnh: Hữu Huy

Ngày 14.9, Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual), áp dụng cách tính AQI của Mỹ đã cảnh báo chất lượng không khí tại TPHCM ở ngưỡng màu đỏ, đạt trị số AQI về mức độ độ bụi mịn trong không khí ở mức xấu, đạt ngưỡng 151.

Thời gian qua, hiện tượng sương mù xuất hiện bất thường ở TPHCM cũng không còn xa lạ với người dân thành phố. Có thời điểm, sương mù xuất hiện kéo dài nhiều ngày, từ sáng sớm cho đến trưa. Điều này khiến nhiều người thắc mắc về nguyên nhân gây ra hiện tượng này, do thời tiết hay do việc không khí ô nhiễm?

Thông tin đến PV Báo Lao Động, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng sương mù mấy ngày qua ở TPHCM là do cả 2 nguyên nhân trên.

Khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TPHCM) vào lúc 10 giờ sáng. Ảnh: Hữu Huy

Theo bà Lan, vào thời gian này TPHCM đang có mưa nhiều, lượng hơi nước, độ ẩm không khí cao trên 90%. Khi có sẵn hơi nước, thêm yếu tố ô nhiễm không khí khói, bụi, những chất lơ lửng bay trong không khí không nhìn được bằng mắt thường. Chính những hạt bụi mịn trong không khí làm cho những hạt sương, hạt hơi nước bám vào, tạo màn sương mờ đục.

“Như vậy hiện tượng sương mù dày đặc là do vừa có mưa, có độ ẩm cao, mật độ hơi nước quá dày. Thêm nữa là bụi mịn, chính vì vậy mật độ sương mù dày hơn, khiến mọi người nhìn thấy những tòa nhà mờ mờ sau lớp sương”- Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan lý giải.

Trời nhiều mây, gió ít, thêm vào đó nắng cũng yếu nên khiến lớp sương mù lâu tan. Ảnh: Hữu Huy

Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng người dân không nên chủ quan, lơ là trước hiện tượng sương mù hỗn hợp này. Chỉ số chất lượng không khí ở mức cảnh báo, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Do đó, khi có việc cần ra ngoài, người dân phải chủ động đeo khẩu trang, che chắn cẩn thận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn