MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưa ngày 24.9, dù trời nắng nhưng lớp mù vẫn bao phủ TP.Hồ Chí Minh.

TPHCM: Thiếu giải pháp căn cơ, khói bụi độc hại ngày càng đe dọa người dân

MINH QUÂN LDO | 25/09/2019 12:41
Trong những ngày vừa qua, không khí tại TP.Hồ Chí Minh ô nhiễm nghiêm trọng khi xuất hiện mù dày đặc, kéo dài cho đến tận chiều tối, khiến người dân luôn cảm thấy ngột ngạt. 

Có 3 nguyên nhân được xác định gây ra tình trạng này: Khói bụi từ vụ cháy rừng ở Indonesia bay sang; độ ẩm trong không khí cao tạo sương mù chứa các chất ô nhiễm và hoạt động giao thông, công nghiệp, sinh hoạt của người dân phát thải ra. Hai nguyên nhân đầu chỉ là tạm thời rồi sẽ hết, tuy nhiên nguyên nhân thứ ba thì ngày càng trầm trọng và cần những giải pháp căn cơ để giải quyết.

Điểm mặt “thủ phạm” gây ô nhiễm

Theo các chuyên gia về môi trường, với số lượng xe gắn máy hơn 8 triệu chiếc và gần 800.000 xe ôtô các loại ở TP.Hồ Chí Minh thì mỗi ngày thải ra một lượng rất lớn khói, bụi. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như khu vực: Ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã tư Hàng Xanh… Kết quả quan trắc trong 10 năm qua tại các khu vực này cho thấy các chỉ số luôn vượt mức quy chuẩn.

Trưa ngày 24.9, tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) dù giữa trưa nắng nhưng trên đường luôn có một lớp khói bụi mờ ảo. Ông Nguyễn Văn Vĩnh (63 tuổi) - hành nghề xe ôm tại đây - chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm nhiều năm qua quanh khu vực này, phải luôn mang khẩu trang, đeo kính. Mấy lần ho quá, đi khám bác sĩ nói bị bệnh hô hấp, chắc vì hít khói bụi xe”.

Đáng nói, tại các tuyến đường TP.Hồ Chí Minh, không ít xe máy lưu thông trên đường là xe cũ, khói đen nhả mù mịt. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều xe máy không được chủ sở hữu thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường.

Ngoài ô nhiễm bởi khí thải xe máy và ôtô, tại các quận - huyện vùng ven như quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, các cơ sở ô nhiễm nhiều như nấm, đan cài giữa các khu dân cư mới hình thành. Phần lớn đây là các cơ sở sản xuất lạc hậu, thường xuyên xả nước thải, khói thải ô nhiễm ra môi trường. Anh Nguyễn Văn Sáng, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết, ngày ngày phải sống chung với nhiều các nhà máy tái chế phế liệu xả khói với số lượng rất lớn gây mùi hôi khó chịu.

Tại huyện Bình Chánh, nơi có 3.500 cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho hay, năm 2018, huyện đã phối hợp với thành phố kiểm tra, xử phạt 160 cơ sở với số tiền 14 tỉ đồng. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, trên toàn thành phố hiện có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang được kiểm tra, giám sát. Trong khi công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang gặp nhiều khó khăn thì lại phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm. Trong đó, trong năm 2018 có tới 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, rất nhiều kênh, rạch nội thành tại TP.Hồ Chí Minh đều đang trong tình trạng ô nhiễm nặng do lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ rạch thải xuống. Kết quả quan trắc trước đó của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại một số điểm quan trắc như: Cầu Xáng - Kênh Xáng, Rạch Cây Khô - Tắc Bến Rô và kênh Thầy Cai, các thông số NH3 (amoniac), ô nhiễm vi sinh (coliform) đều vượt quy chuẩn từ 1,73 - 130,7 lần.

Thiếu giải pháp căn cơ

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban MTTQ TPHCM), các xe cũ thải ra khói đen dễ nhận biết, còn những xe thải ra khói trắng thì không thấy được sự ô nhiễm. Ông Ninh cho biết, các dòng xe máy qua một thời gian sử dụng đều thải ra khí thải độc hại bất kể khói đen hay khói trắng, ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân.Theo ông Nguyễn Lê Ninh, nên sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy.

GS-TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, tình trạng di dời các cơ sở ô nhiễm ở TP.Hồ Chí Minh giống như đối phó, không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Theo giáo sư Lê Huy Bá, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, cần phải có quy hoạch bài bản, những khu vực nào dành cho dân cư thì tuyệt đối không cho các cơ sở sản xuất hoạt động và ngược lại. Đối với những cơ sở ô nhiễm đang tồn tại trong khu dân cư, không chỉ phải di dời vào khu công nghiệp mà còn phải bắt buộc chuyển đổi công nghệ, không để xảy ra ô nhiễm nữa.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - cho rằng, TPHCM không chỉ cần tăng thêm lưới trạm đo nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, mà còn cần cung cấp các báo cáo công khai trên những bảng điện tử ở các tuyến đường chính, các phương tiện truyền thông như báo đài, đài truyền hình địa phương, qua tin nhắn… khi khói bụi đạt đến mức không an toàn và có những hướng dẫn cụ thể, thậm chí bằng hình ảnh trực quan sinh động. Việc này để người dân có thể biết và trở thành thói quen khi ra đường là theo dõi thông tin về mưa nắng, gió bão và ô nhiễm không khí nơi mình đang sống, làm việc, nhằm có biện pháp phòng ngừa bệnh và thích ứng nhanh chóng, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn