MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sò lông non được bày bán đầy ngoài đường ở Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

Tràn lan khai thác, mua bán sò lông non khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản

DUY TUẤN LDO | 14/12/2023 18:55

Bình Thuận – Thời gian gần đây, tình trạng bày bán sò lông non kích cỡ bằng ngón tay cái tại nhiều nơi ở Bình Thuận đáng báo động. Chưa kể việc khai thác sò lông non với số lượng lớn để bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm càng dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản này.

Tại các chợ, các vị trí bán hải sản ven đường ở TP Phan Thiết không khó để thấy cảnh bày bán sò lông non hay cả sò dương non với kích cỡ chỉ bằng ngón tay cái. Chỉ vài chục ngàn đồng một ký sò lông non nhưng số lượng cá thể mỗi trong mỗi ký rất nhiều.

Sò lông non được bày bán đầy ngoài đường ở Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cao điểm là từ giữa tháng 11 đến nay, xuất hiện tình trạng nhiều tàu thuyền nghề lặn trong tỉnh đã đánh bắt sò lông non (kích cỡ từ 2-3cm, trọng lượng từ 100-120 con/kg) tập kết tại các khu vực bãi ngang, kè, cảng cá thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết với số lượng lớn để bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm. Tình trạng khai thác, tiêu thụ sò lông non là điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích trước mắt nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hành vi khai thác này làm suy kiệt nguồn lợi sò lông, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ đặc thù có giá trị kinh tế cao của vùng biển tỉnh Bình Thuận. Thống kê riêng tại Khu chế biến Nam cảng cá Phan Thiết có công ty thu gom, mua, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi lên đến hàng chục tấn mỗi ngày. Chưa kể đến tình trạng đánh bắt dùng xung điện, chất nổ, chất độc, mắt lưới nhỏ...

Ngư dân thả sò lông giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi sò lông. Ảnh: Phạm Duy

Trước đây cũng từng xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nhất là sò lông tại khu vực biển huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Năm 2015, dự án: “Thí điểm mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo vệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý” được thành lập và đã thả xuống biển 112 tấn sò giống tại những khu vực là nơi sinh sống trước đây của sò lông.

Lặn khảo sát mật độ sò dưới đáy biển. Ảnh: Duy Tuấn

Sau nhiều năm tái tạo thì mật độ sò lông dần được phục hồi, lượng tôm hùm, cá ngựa, mực và cá các loại xuất hiện dày hơn. Mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý thành công và đã được chuyển giao lại cho Hội cộng đồng xã Thuận Quý tiếp tục duy trì cho đến nay. Đây là một ví dụ về cạn kiệt nguồn lợi sò lông và phải thả con giống tái tạo kết hợp bảo vệ vùng biển.

Sò lông cỡ to được các quán chế biến thành món ăn. Ảnh: Duy Tuấn

Nhận thức được mối nguy hại khi lại tiếp diễn tình trạng khai thác sò lông non, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương ngăn chặn tình trạng trên. Theo đó, phía Sở NNPTNT điều động tàu kiểm ngư kiểm tra thường xuyên các khu vực bãi sò lông để kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác sò lông non, hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo ban quản lý các cảng cá tỉnh không cho phép tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập các cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ, gây hình ảnh phản cảm.

Thả những khối bê tông có móc sắt xuống biển để cột chà vào, hình thành vùng biển mát cho sò, tôm cá ở. Ảnh: Phạm Duy

Còn các địa phương ở vùng biển chỉ đạo các lực lượng chức năng, hội cộng đồng ngư dân tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết, tiêu thụ sò lông non tại các bến, bãi ngang trên địa bàn. Công an phối hợp cơ quan chuyên ngành thủy sản làm việc các cơ sở thu mua sò lông non bán làm thức ăn cho tôm hùm để tuyên truyền và yêu cầu dừng ngay việc này.

Bình Thuận có bờ biển dài gần 200 km và là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước. Nguồn lợi thủy sản ở Bình Thuận phong phú, đa dạng và giàu sản lượng với giá trị kinh tế cao, kể cả giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: điệp, dòm, bàn mai, sò lông...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn