MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trào lưu thu gom pin cũ để bảo vệ môi trường

MINH HÀ LDO | 26/04/2023 09:06
“Một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm” - nhận thức rõ điều này, nhiều đơn vị, cá nhân đã chung tay thực hiện thu gom pin cũ, tách chúng khỏi rác thải sinh hoạt hằng ngày để bảo vệ môi trường.

Hơn bốn năm tự phân loại và cất riêng các loại pin hỏng, đồng thời nhặt thêm từ các bãi rác, bạn Triệu Thị Thủy Tiên (sinh viên trường Đại học Thương Mại, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã gom được 322 chiếc pin cũ. Thủy Tiên chia sẻ, ngay từ thời học sinh, cô đã được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nói về sự độc hại của mỗi viên pin khi bị vứt bỏ bừa bãi ra môi trường. Vì vậy, Thủy Tiên đã sử dụng các chai nhựa rỗng để đựng pin cũ, vừa gọn gàng vừa giảm nguy cơ chúng phát thải ra các loại chất độc khi để lâu trong môi trường độ ẩm cao.

Bên cạnh tập hợp pin cũ bản thân sử dụng, bạn Triệu Thị Thủy Tiên còn nhặt pin từ bãi rác để thu gom. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, cô bạn này còn vận động người thân, bạn bè thu gom pin hỏng, không vứt chung vào rác thải sinh hoạt mà sẽ đưa đến các điểm tập kết pin cũ để tái chế.

"Bản thân mình nhận thức được tác động của pin cũ tới môi trường và sức khỏe nên mình đã quyết định sống "xanh" hơn. Mình hi vọng đây không phải là một phong trào nhất thời, mà sẽ thành thói quen tốt của mỗi chúng ta", Thủy Tiên cho hay.

Nhiều tháng nay, chị Nguyễn Hồng Vân và các nhân sự tại một công ty du học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng tổ chức thu gom pin cũ. Ban đầu, chị Hồng Vân là người khởi xướng, sau đó, phong trào thu gom pin được 100% đồng nghiệp ủng hộ. Đến nay, số pin mà chị Vân cùng mọi người trong công ty thu gom được đã lên tới hàng trăm viên.

Hàng trăm viên pin được chị Hồng Vân và đồng nghiệp thu gom. Ảnh: NVCC

''Thật ra đa số chúng ta đều nhận thức môi trường đang ô nhiễm nhưng việc vứt bỏ 1-2 viên pin cũ vào thùng rác dễ dàng hơn mang tới nơi tiếp nhận nhiều. Việc thay đổi hành động của người khác không dễ, vậy nên thay vì thuyết phục, mình và các đồng nghiệp cố gắng kiên trì nghiêm túc thực hiện thu gom pin để bảo vệ môi trường'', chị Hồng Vân chia sẻ.

Còn tại thôn Nhuệ (Hoài Đức, Hà Nội), việc thu gom pin cũ đã được tất cả các hộ dân đồng tình hưởng ứng hơn một năm nay thông qua mô hình Ngôi nhà của pin.

Theo kế hoạch, cứ mỗi tháng, những cán bộ thôn cùng đoàn viên thanh niên sẽ tổ chức đi thu gom pin tại các ngôi nhà của pin và chuyển đến các địa điểm tái chế trên địa bàn. Đến nay, hàng nghìn viên pin đã được xử lý, đặc biệt thói quen mới trong phân loại rác thải đã được hình thành ở khu dân cư, góp phần bảo vệ môi trường.

Người dân thôn Nhuệ tập hợp pin tại Ngôi nhà của pin. Ảnh: Minh Hà

Ông Đàm Quang Bính – Trưởng Thôn Nhuệ cho hay, ban đầu mô hình làm thí điểm 6 cái, đến nay số nhà của pin đã tăng lên. Ngay bước đầu đã cho những kết quả rất tốt. “Từ 4 loa truyền thanh trong làng và đến nay là 15 loa, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt được cái lợi của việc thu gom pin, cái hại của việc bỏ pin ra môi trường mà không qua xử lý” – ông Bính cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tác động của pin cho thấy, các hóa chất có trong pin như thủy ngân, chì và cadmium có khả năng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong suốt quá trình sản xuất và thải bỏ sản phẩm.

Nếu pin được chôn lấp bừa bãi, các hóa chất trong pin có thể thấm vào đất, gây ô nhiễm đến nguồn nước và đất đến 50 năm. Trong trường hợp được xử lý bằng cách đốt, các hóa chất có thể gây ô nhiễm không khí và trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe con người. Chưa kể đến nguy cơ cháy nổ khi đốt rác có chứa pin đã qua sử dụng, đặc biệt là pin lithium-ion của điện thoại di động.

Chính vì vậy, việc tạo ra phong trào thu gom pin không chỉ hạn chế được số lượng pin bị vứt bừa bãi, mà còn góp phần nâng cao ý thức của mọi người, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn