MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân khu vực Linh Đàm (Hà Nội) đổ xô đi mua nước đóng chai. Ảnh: PV

Từ ô nhiễm không khí tới ô nhiễm nguồn nước sạch: Chậm trễ ứng phó - người dân bất an

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 14/10/2019 11:17

Người dân Hà Nội chưa hết lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí thì lại đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt khi phát hiện nước máy có mùi khét, mùi Clo đậm đặc. Trong cả hai vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, thì phản ứng từ chính quyền và những cơ quan chức năng lại quá chậm chạp để lý giải nguyên nhân, cảnh báo và đưa ra giải pháp xử lý vấn đề.

Mòn mỏi vì… chờ tìm nguyên nhân

Trong một hội thảo rất liên quan là “Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí” diễn ra cuối tuần qua, bà Lê Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý dự án, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội - đưa ra thông tin cho biết, hiện nay Hà Nội đã và đang triển khai các chương trình để xác định căn nguyên của ô nhiễm không khí.

“Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu trong vòng 1 năm và xác định xem thành phần nào dẫn đến ô nhiễm không khí. Bao nhiêu phần trăm từ giao thông, bao nhiêu phần trăm từ than tổ ong… Chúng ta sẽ có câu trả lời sau… 1 năm nữa” - bà Thuỷ cho biết. Bà Thủy cho biết thêm: Chương trình cũng đang tiến hành kiểm kê các nguồn thải này để giúp Hà Nội xác định rõ tất cả nguồn thải gây ô nhiễm không khí để đưa ra bức tranh tổng thể về sự lan truyền không khí của Hà Nội và những dự báo cho các kịch bản khác nhau. Từ đó các nhà khoa học có thể đồng hành cùng với thành phố để cùng đưa ra những giải pháp.

Nghĩa là còn phải chờ ít nhất 1 năm nữa để tìm ra nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và chờ thêm một thời gian nữa để đưa ra các giải pháp.

Tất nhiên, người dân không thể “ngừng thở” để chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân và tiến hành giải pháp.

Sự chậm trễ không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà tại TPHCM thì việc chậm thông báo ô nhiễm không khí lại được diễn giải bằng câu chuyện bi hài là do quan trắc… thủ công. Chính vì phương pháp này mà phải mất tới 3 ngày mới có kết quả. Trong lúc chờ đợi, không còn cách nào khác là người dân phải… tự lo. Đây cũng chính là điều mà người dân bức xúc.

Với những vấn đề nóng như ô nhiễm không khí hay nguồn nước, bắt người dân chờ ngày nào là ảnh hưởng tới sức khỏe ngày đó. Đành rằng rất cần những biện pháp xử lý dài hạn nhưng cũng đặc biệt cần những thông tin kịp thời, những giải pháp quyết liệt được đưa ra cho người dân yên tâm.

Biên bản lấy mẫu xét nghiệm nước sạch tại chung cư HH Linh Đàm. Ảnh: PV

Ô nhiễm nước sạch: Lại bắt dân chờ

Từ ngày 10.10, hàng loạt khu dân cư tại Hà Nội phát hiện ra nước máy sử dụng hằng ngày có mùi lạ, mùi khét như các khu đô thị thuộc phía tây nam Hà Nội như các khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Hà Đông, Thanh Xuân...

Trao đổi với Lao Động, chị Phạm Thị Hạnh (sống tại phòng 3411B, chung cư Gemek, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay từ ngày 10.10, gia đình đã phát hiện tình trạng nước sinh hoạt bốc mùi nồng nặc. Lúc đầu, gia đình nghĩ chỉ lượng ít sau sẽ hết nên vẫn dùng cho sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tất cả các hộ dân sống cùng chung cư đều bị tình trạng như trên.

“Do chưa có thông báo chính thức hay có khuyến cáo từ cơ quan chức năng nên từ hôm qua đến nay gia đình tôi không dám sử dụng. Từ ăn uống hay sinh hoạt cá nhân như đánh răng, tắm giặt đều phải mua nước tinh khiết ở ngoài để dùng”.

Còn chị Nguyễn Thùy Phương ở Từ Liêm lo lắng: “Cũng không biết vì sao tự nhiên nước lại có mùi như thế. Chỉ nghe hàng xóm kháo nhau có thể từ khi chuyển sang dùng nước của nhà máy nước Sông Đà thì nước mới bốc mùi ngái ngái, hôi hôi như vậy”.

Đến nay, Cty nước sạch Viwaco (đơn vị có nhiệm vụ đầu tư mạng lưới cấp nước khu vực tây nam TP.Hà Nội để tiếp nhận và cung cấp nguồn nước sạch Sông Đà cấp nước tới toàn bộ nhân dân khu vực Tây Nam Hà Nội bao gồm toàn bộ quận Thanh Xuân, một phần phường Trung Hòa, Mai Dịch quận Cầu Giấy, phường Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt quận Hoàng mai, quận Nam Từ Liêm và các xã phía Tây quốc lộ 1A huyện Thanh Trì Hà Nội) xác nhận, hiện đang có ít nhất 120.000 hộ dân là khách hàng của Cty bị ảnh hưởng từ nước có mùi lạ. 100% nước do Cty này phân phối cho khách hàng đều lấy từ nguồn nước cung cấp bởi Cty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà.

Theo tìm hiểu, không chỉ có Viwaco mà cả 3 đơn vị còn lại Cty Nước sạch Hà Đông, Cty Nước sạch Tây Hà Nội và Cty Đồng Tiến Thành cấp cho khu vực Thạch Thất đều lấy nguồn nước từ Cty Nước sạch Sông Đà đều nhận được phản ánh là có mùi lạ. Trong lúc người dân chưa biết nguyên nhân và tự xử lý bằng cách tạm dừng nước máy để nấu ăn, thay vào đó là mua nước tinh khiết với giá cao để thay thế.

Sở Y tế Hà Nội thông tin đã cử đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm để phân tích và công bố kết quả theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Tuy nhiên để có kết quả chính xác thì cần chờ 7 ngày.

Riêng Viwaco, đơn vị cung cấp nước sinh hoạt phía nam Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện đơn vị đã mời Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào lấy mẫu để đi kiểm định. Tuy nhiên, phía đơn vị này hẹn hai ngày sau mới có kết quả.

Cũng giống như câu chuyện về ô nhiễm không khí, người dân sẽ tự lo bằng việc mua nước đóng chai để dùng cho sinh hoạt hoặc lắp thêm những máy lọc. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế mà đảo lộn sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể nếu kết quả cho thấy, nguồn nước máy trong mấy ngày qua có độc tố, ảnh hưởng tới sức khỏe thì ai chịu trách nhiệm?

Đã đến lúc, Hà Nội và các thành phố khác phải tính đến chuyện tăng cường bảo vệ an ninh nguồn nước, có giải pháp dự phòng và có những phương án khác nhau trong việc đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân thay vì chỉ có một giải pháp như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn