MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Cà Mau khoan giếng nước ngầm để lấy nước ngọt sử dụng, tuy nhiên hều hết các cây nước mới khoan đều nhiễm phèn và mặn không sử dụng được. Ảnh: Nhật Hồ

Vào tâm điểm hạn mặn Cà Mau

Nhật Hồ - Phong Nguyễn LDO | 05/03/2020 10:08

Tỉnh Cà Mau vừa chính thức công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Tỉnh này cũng đề nghị Bộ NNPTNT hưởng dẫn công bố thiên tai. Hạn mặn đã làm cho đời sống người dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Không riêng gì Cà Mau, hàng loạt tỉnh tại ĐBSCL đang cần giải pháp để thoát khỏi vòng vây của hạn mặn.

Nguy cơ tái nghèo

Nếu như huyện Trần Văn Thời là điểm nóng của hạn mặn thì xã Khánh Bình Tây Bắc là nơi “rốn mặn” của huyện. Ông Bùi Chí Ngạn - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc - lắc đầu: “Tất cả những dòng kênh đều trơ đáy. Nước ngọt không còn, người dân nơi đây vô cùng khó khăn trong khi chúng tôi không làm gì khác hơn là… đứng nhìn”.

Gia đình bà Hồ Thị Lệ, ở Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, thuê được 3 công đất ruộng, cứ nghĩ có đất thì có lúa, ai dè đành ngậm ngùi nhìn lúa thất thu. Bà Lệ thuộc gia đình hộ nghèo, nhờ chí thú làm ăn dần dần có nhiều chuyển biến. Nhưng giờ thì sự ổn định ấy cũng dần rơi vào cảnh bấp bênh do thời tiết. Bà trần tình: “Tôi định kiếm công chuyện làm thêm để tăng nguồn thu nhập nên hai vợ chồng tôi vét hết vốn mướn 3 công đất ruộng để trồng lúa. Có ai ngờ, nắng nóng, khô hạn con người ta sống còn không nổi huống hồ gì cây lúa”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - chồng bà Lệ - chia sẻ: “Mấy năm trước, tuy khó khăn nhưng chưa đến nỗi, giờ dịch bệnh cộng thêm hạn hán nặng coi như khổ càng thêm khổ. Cứ tình trạng diễn biến xấu như thế này hoài, đời sống người dân sẽ không biết đi về đâu”.

Anh Lê Chí Công - ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc - nói như than: “Cái ao nuôi chừng 1.000m2, nay nước đã cạn tới đáy. Tôi đào cái lòng ao cho sâu thêm để cá còn nước mà sống nhưng không biết cầm cự đến chừng nào. Gia đình anh Công mới làm đơn xin thoát nghèo năm 2019. Bước vào năm mới, những tưởng cuộc sống có khá hơn, nào ngờ ông trời không thương đem chi nắng nóng, khô hạn làm ao cá khô queo không con gì sống được.

Nước sinh hoạt cũng dần cạn kiệt

Ông Nguyễn Văn Mãi - Trưởng ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời - nhận định: “Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều hộ dân có thể thiếu nước sinh hoạt khi bước vào đỉnh điểm mùa khô. Nhiều gia đình trong ấp hiện đã xảy ra tình trạng bơm không được nước giếng khoan, hoặc bơm được nhưng bị nhiễm mặn”.

Ông Lê Phong - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời - cho biết, hầu hết người dân ở các xã nông thôn, xã giáp biển đều thiếu nước sinh hoạt. Huyện tăng cường cung cấp nước sạch bằng cách chở nước đến cho bà con nhưng tình hình hạn mặn kiểu này không biết cầm cự đến bao lâu. Đặc điểm của Cà Mau là 3 mặt giáp biển, tỉnh duy nhất không có nước ngọt từ dòng Mekong chảy về.

Nước ngọt sinh hoạt (kể cả nước máy tập trung) cũng được khoan sâu xuống lòng đất. Nhiều người dân tại huyện Trần Văn Thời khoan giếng nước mùa khô này nhưng không có nước ngọt, chỉ nước phèn. 

Rà soát, sơ tán kịp thời người dân khỏi vùng nguy hiểm

Trao đổi với PV Lao Động chiều 4.3.2020, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai - khẩn thiết: Không riêng gì Cà Mau trong vòng nguy hiểm, mà nhiều tỉnh của ĐBSCL cũng đang trong vòng vây hạn hán, ngập mặn. “Giải pháp trước mắt là rà soát để kịp thời phát hiện các nguy cơ, sơ tán nhà dân ở những khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt trượt; rà soát, theo dõi các nhà dân xây dựng tự phát, sinh sống ven kênh cạn nước, nếu có dấu hiệu nguy hiểm là phải di dời khẩn cấp” - ông Hoài  lưu ý.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long); với hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn để vận hành ngay trong mùa khô 2019-2020: Cống Ninh Quới, Trạm bơm Xuân Hòa, các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm để hạn chế thoát hơi nước...

Xâm nhập mặn đã tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, xâm nhập mặn đã tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL.

Theo ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, từ tháng 3-5.2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc.

Bộ TNMT cho rằng, người dân các tỉnh bị ảnh hưởng cần chủ động thực hiện các biện pháp tích, trữ nước; đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước và cần tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó. Thảo Hà


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn