MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh đăng trên TikTok cho thấy nam thanh niên cùng 1 người khác đang nướng cháy 1 cá thể khỉ. Ảnh chụp màn hình: Hương Giang

Video 2 người nướng cháy cá thể khỉ đã bị gỡ khỏi TikTok

Hương Giang LDO | 10/02/2023 16:06

Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đến sáng nay (10.2), video ghi lại hình ảnh 2 người đang nướng cháy một cá thể khỉ đã bị gỡ khỏi mạng xã hội TikTok. 

Trước đó, ngày 8.2.2023, ENV tiếp nhận tin báo của cộng đồng về trường hợp một tài khoản TikTok đăng tải video hành vi giết hại một cá thể khỉ.

Cụ thể, tài khoản TikTok @hoahoang2701 đã đăng tải video dài 18 giây ghi lại cảnh 2 người đàn ông đang nướng cháy một cá thể khỉ.

Trước khi bị gỡ khỏi mạng xã hội TikTok, video này đã thu hút nhiều lượt xem và bình luận. Trong đó, có rất nhiều bình luận của người xem tỏ ra vô cùng bức xúc, lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này.

Mặc dù video đã bị gỡ khỏi mạng xã hội, nhưng theo các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã thì hành vi giết hại khỉ - một loài động vật đang được bảo vệ, là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc các cá nhân giết khỉ, giết hại các loài thú, các loài chim quý rồi đăng ảnh, video clip khoe chiến công trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm. Nghị định 32/2006/NĐ-CP cũng nêu rõ, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB - động vật rừng - nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao, làm thịt là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều 234 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150 đến dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 đến dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.

Còn theo Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm… thì bị phạt tiền từ 500 triệu - 2 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3 thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Cũng theo Luật sư Hà, để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần kiên quyết nói không đối với việc giết hại, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn