MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu không kiểm soát được nguồn nước thải, chất thải từ hơn 500 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, thì tốc độ ô nhiễm sẽ lan nhanh bởi những con tàu này hoạt động rộng khắp trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Vịnh Hạ Long ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

NGUYỄN HÙNG LDO | 30/07/2018 10:30
Một đoàn chuyên gia quốc tế của UNESCO, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa có chuyến khảo sát trên vịnh Hạ Long để đánh giá về mức độ ô nhiễm và tại buổi làm việc với các ban ngành của Quảng Ninh, một lần nữa những cảnh báo đỏ được đưa ra.

Có quá nhiều nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng với di sản thế giới, từ hoạt động sản xuất, mở rộng đô thị trên bờ cho tới các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy-hải sản...

Hoạt động trên Vịnh Hạ Long có 505 tàu du lịch, gồm 189 tàu nghỉ đêm, 314 tàu tham quan ban ngày và hai tàu nhà hàng. Cho dù liên tục có những biện pháp siết chặt về quản lý nhưng đây vẫn đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn đối với Vịnh Hạ Long, vốn đã được UNESCO, IUCN… cảnh báo từ lâu.

Phần lớn các tàu du lịch không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trong khi việc xử lý chất thải nhà vệ sinh, nước thải la canh (nước thải từ máy tàu) cũng rất khó kiểm soát.

Trút thẳng nước thải xuống di sản

Jake Bruner - Trưởng nhóm các nước Đông Nam Á và Myanmar, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), lo ngại trước việc nước không còn xanh trong như trước và chia sẻ có không ít du khách phương Tây khuyên bạn bè, gia đình không nên đến vịnh Hạ Long nữa. Và từ năm 2015, một nghiên cứu phân tích hiện trạng của Viện phát triển quản lý Châu Á (AMDI) chỉ ra rằng, hầu hết các tàu du lịch xả nước thải chưa qua xử lý và có thiết bị cũng ít khi sử dụng.

Về nước thải, hiện có 3 nguồn gây ô nhiễm, gồm: Nước thải từ tắm giặt, nấu ăn và sinh hoạt, nước và chất thải từ các nhà vệ sinh, nước thải la canh.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long - hầu hết các tàu đều có hệ thống thu gom, chứa nước, chất thải nhưng không phải tàu nào cũng có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt chung. Việc có đem nước, chất thải về bờ để xử lý hay không thì khó có thể kiểm soát, bởi đây là việc riêng giữa chủ tàu và công ty xử lý nước, rác thải.

“Chỉ biết được họ có đem nước, chất thải từ tàu lên đất liền để xử lý hay không, khi kiểm tra hóa đơn thanh toán với các công ty môi trường. Việc này không phải lúc nào cũng làm được và khó thực hiện đối với hơn 500 tàu”- ông Huỳnh chia sẻ.

Ai giám sát chất lượng nước thải tàu du lịch?

Theo một chủ tàu, với nước, chất thải từ nhà vệ sinh, khi nào đông khách thì thỉnh thoảng ghé bờ để xe hút lên, còn bình thường cứ 6 tháng một lần bảo dưỡng mới hút ra và cũng chỉ dùng nước mặn cho các nhà vệ sinh vì mua nước ngọt tốn kém.

Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia về xử lý môi trường cho rằng dùng nước mặn không thể xử lý và chỉ có tác dụng xả chất thải từ bồn cầu xuống bể phốt: “Dùng nước ngọt thì cũng phải có một thời gian nhất định mới đủ để vi khuẩn xử lý các chất thải trước khi xả ra vịnh. Nếu bể phốt bé, lượng khách đông, chất thải có thể sẽ tràn trực tiếp xuống vịnh”.

Thực tế, các cơ quan chức năng cũng không nắm được bao nhiêu tàu sử dụng nước mặn cho nhà vệ sinh và cũng chưa bao giờ kiểm tra chất lượng các loại nước thải, dù có yêu cầu phải lắp hệ thống xử lý nước thải la canh, hệ thống bể phốt đúng quy chuẩn.

Chuyên gia Jake Bruner cho rằng, việc kiểm soát ô nhiễm từ những tàu du lịch là rất khó khăn, thách thức bởi chúng hoạt động phân tán rộng khắp trên vịnh. Vì thế, vấn đề ô nhiễm cũng phân tán phổ biến.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long - lâu nay chỉ đánh giá chất lượng nước ở 34 điểm quan trắc, từ khu vực ven bờ đến ngoài vịnh và chất lượng nước đều trong ngưỡng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không phá huỷ hay hy sinh di sản, kể cả phát triển kinh tế

Tại Hội nghị về “Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 27.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

“Tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”, “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn