MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biển Đông có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trong tháng 7. Ảnh đồ hoạ: Minh Hà.

Vùng áp thấp xuất hiện ngoài khơi Philippines, Biển Đông có thể hứng bão

MINH HÀ LDO | 13/07/2023 16:46

Hiện nay, trên khu vực phía Đông Philippines đã xuất hiện rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (13.7), vùng áp thấp có vị trí khoảng 14.5-15.5 độ Vĩ Bắc, 123.5-124.5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Philippines.

Do ảnh hưởng vùng áp thấp nối với rãnh áp thấp có trục 14-17 độ Vĩ Bắc, kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 13.7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong ngày và đêm 13.7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-3m.

Một số mô hình dự báo trên thế giới cho thấy, trong vài ngày tới vùng áp thấp có thể di chuyển vào Biển Đông, xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão.

Trên đất liền, từ chiều tối ngày 14-15.7, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to trên 150mm.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển, ngày 13.7, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã gửi công điện tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Công điện nêu rõ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; gió mạnh trên biển và diễn biến vùng áp thấp, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.

Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa, lũ, gió mạnh trên biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn