MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 25.8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Xử phạt không phân loại rác: Nhưng phân loại xong lại cho hết vào 1 xe gom?

Nhóm PV LDO | 21/07/2022 09:59

Mặc dù việc phân loại rác tại nguồn hiện nay còn đang là khái niệm mơ hồ với nhiều người dân, nhưng cũng đã có những hộ gia đình, cá nhân có ý thức trong vấn đề này. Tuy nhiên họ bày tỏ băn khoăn sau khi phân loại, rác lại được thu chung vào một xe gom thì việc phân loại của họ dường như không còn nhiều ý nghĩa.

Phân loại xong lại đổ chung 1 chỗ

Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25.8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. 

Không chờ đến khi có quy định xử phạt, nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy Hà Nội) đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn: "Gia đình tôi ở nhà vẫn phân loại rác theo hướng dẫn của công ty môi trường nhưng thật ra có cái khó ở khu chung cư là rác tập trung vào 1 chỗ. Rác phân loại ở nhà và đưa ra đó thì có những lúc người ta tập trung thành 1, nên việc phân loại tại nhà gần như hiệu quả không có, không thu được kết quả như mong muốn" - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, quy định phân loại rác tại nguồn là đúng đắn, mang lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng, cá nhân nhưng thực hiện của từng người, từng gia đình thì chưa có tính tự giác cao, vì thế kết quả thu được chưa tốt.

  Nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ việc phân loại rác, tuy nhiên cho rằng còn nhiều trở ngại, cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi.

Cũng như ông Hùng, một người dân ở phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện tại tại khu vực bà sinh sống có 2 bãi tập kết rác ở rất gần. "Bản thân gia đình tôi rất nỗ lực trong việc phân loại rác, nhưng nhiều khi xách ra đến nơi thì chỉ có 1 xe rác, 1 bãi tập kết rác nên lại vứt chung, rất hổ lốn khiến việc phân loại tại nhà của tôi không còn nhiều ý nghĩa" - bà Hoàn cho hay.

Rác thải phân loại tại nguồn phải được thu gom chuyên biệt

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, phân loại rác tại nguồn là một yêu cầu vô cùng đúng đắn, những mục tiêu của phân loại rác tại nguồn rất hợp lý để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị, cũng như đảm bảo việc coi rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng; giảm tình trạng chôn lấp như hiện nay, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

  Ở nhiều nơi, rác thải hiện nay đang được cho chung vào 1 xe gom.

Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể cho phân loại rác tại nguồn hiện nay vẫn còn bất cập, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Người dân sẵn sàng phân loại rác tại nguồn theo các loại túi mà các dự án hay chính quyền phát, tuy nhiên hướng dẫn cụ thể như thế nào là phân loại rác tại nguồn thì các hộ gia đình còn rất mơ hồ, chưa biết phân loại như thế nào. 

"Hiện nay việc thu gom những rác thải phân loại tại nguồn khác nhau phải được thực hiện, tránh tình trạng hiện nay người dân phân loại rác tại nguồn nhưng tất cả loại rác lại cùng 1 phương tiện thu gom, cùng chở về các bãi chôn lấp. Rác thải phân loại tại nguồn phải được thu gom có tính chất chuyên biệt, đồng thời phải được đến những cơ sở xử lý rác thải chuyên biệt. Ví dụ, những thành phần rác thải hữu cơ phải có những xe thu gom và chuyên chở đến những nhà máy xử lý chế tạo phân bón, phân vi sinh… còn những rác không phải rác hữu cơ – các phương tiện đến thu gom phải được chở đến những cơ sở tái chế phù hợp. Còn những loại rác còn lại chuyên chở đến bãi chôn lấp phải được ít đi" - GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, bên cạnh những quy định về mức xử phạt cần có nghiên cứu về chế tài và phương thức xử phạt thế nào, ai là người theo dõi giám sát, ai là người có quyền trong việc xử phạt, là người làm công tác môi trường ở địa phương hay tổ dân phố hoặc hội phụ nữ hay tổ chức cộng đồng? Những điều này cần có hướng dẫn cụ thể thì việc xử lý vi phạm, hướng dẫn người dân phân loại, kinh tế tuần hoàn mới có hiệu quả được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn