MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hương và chị Hồng- hai người phụ nữ nhặt ve chai không tham 100 triệu đồng, mang trả lại cho người đánh mất. Ảnh: H.M

100 triệu đồng "kỳ duyên" trong mớ giấy lộn

Huỳnh Mỹ LDO | 05/06/2022 07:00

Bữa trưa vừa xong, chị M.T nhận được cú điện thoại từ số lạ. Nội dung trao đổi làm chị nửa tin, nửa ngờ. Người đầu dây bên kia nói: "Chị có phải là M.T, nhà ở… gần núi Non Nước (Đà Nẵng) không? Tôi đang giữ của chị 13 chỉ vàng bốn số 9 ! chị đến vựa ve chai số… đường… để nhận lại hỉ”. Câu chuyện cứ như một "kỳ duyên".

Không tin vào tai mình, chị M.T cố nhớ lại, để mất tài sản trong trường hợp nào, mà nay lại có người nhặt được trả lại cho mình. Hơn nữa, số tài sản này không nhỏ, đến gần cả trăm triệu đồng!

Sực nhớ, hóa ra đó là số tài sản tích cóp được trong nhiều năm làm việc, chị cất vào tủ giấy tờ. Ngày cho thuê ngôi nhà, chị cứ vậy quên bẵng đi. Người chủ mới, dọn dẹp nhà cửa, đã lôi mớ giấy tờ cũ này bán cho hai người nhặt ve chai.

Bước vào điểm thu mua phế liệu, chị T đã thấy 4 người chờ sẵn ở đó. Sau khi cẩn thận xem chứng minh nhân dân, người đàn ông trung niên nói: “Hai chị mua ve chai tìm được trong mớ giấy tờ cũ, mua được từ nhà cũ của chị có 1,3 lượng vàng SJC 4 số 9. Họ nhờ tôi liên lạc và chờ ở đây đã 2 tiếng để trao tận tay cho người mất đồ.

Cầm số vàng được trả lại trong tay mà chị MT không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Chị không nghĩ số tài sản này có thể trở lại với gia đình một cách hy hữu như vậy. Một trong hai phụ nữ tên Hương nói: “Chị em tôi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ rồi, chừng nào chưa trả lại được thì tôi còn chưa về”.

Sự kiện này như một nghĩa cử, có đi có lại, mà trong Phật pháp thường gọi là “kỳ duyên”. Hơn chục năm qua, từ ngày dọn đến sống trong vùng, toàn bộ những thứ không sử dụng trong nhà, chị T thường gom góp, nhặt nhạnh tặng cho hai người phụ nữ mua bán ve chai này.

Chị Hương kể: Sáng nay ngang qua nhà chị T, một phụ nữ lạ mặt (người thuê nhà chị T) gọi hai chị vào để bán một lô giấy vụn. Về đến vựa thu mua ve chai, bất ngờ trong mớ giấy lộn đó, rơi ra một gói, gói 13 chỉ vàng SJC, ràng buộc kỹ lưỡng trong tờ hóa đơn ghi tên, địa chỉ và cả số điện thoại người mua vàng.

Ngay lập tức, chị bảo người chủ vựa thu mua ve chai cố tìm mọi cách liên lạc với chị T, để trả số tài sản đó. Và gần hai tiếng sau, cuối cùng chị T mới tiếp nhận được điện thoại và đến nhận lại số tài sản thất lạc.

Hỏi tên, người phụ nữ mua bán đồ ve chai bảo tên Hương, chị kia tên Hồng. Cả hai nhà ở xã Điện Thắng Trung, tỉnh Quảng Nam. Nghề chính là làm ruộng nhưng lúc nông nhàn, hai chị thường đạp xe ra thành phố Đà Nẵng để mua bán phế liệu, kiếm thêm ít tiền trang trải chi tiêu cho gia đình, nhất là lo việc học hành cho con cái.

Số vàng các chị trả lại bằng cả số tiền các chị gom góp trong suốt 2 năm dãi nắng dầm mưa lặn lội khắp các ngõ ngách để tìm mua từng vỏ lon bia, từng chai nhựa hay vài ba cuốn sách vở cũ, mẩu kim loại vụn. Chị còn bảo: "Chồng con em đều nói, mẹ làm rứa là đúng, đó là tiền mồ hôi, nước mắt của người khác!".

Câu chuyện trả lại tài sản gần 100 triệu kể trên như một mạch ngầm thiện lương vẫn lặng lẽ chảy trong đời sống xã hội, vốn đang bị xung động mạnh mẽ bởi vật chất. Chị Hồng - một trong hai phụ nữ mua bán ve chai cũng từng nhặt được số tiền lớn, trả lại cho người mất. Và dù lam lũ, hai chị có cuộc sống ổn định, con cái học hành giỏi giang. Và chị kết luận, đáp lại lời cảm ơn khi chia tay: “Đó cũng là nhân quả trước mắt, chứ không đâu xa!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn