MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1.000 suất cơm chay 0 đồng được trao tặng mỗi ngày

Hương Lê LDO | 09/06/2023 16:02
Đều đặn mỗi ngày, không kể nắng mưa, người dân tại ngõ 15 Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) đã quen với hình ảnh nhóm thiện nguyện tạp dề xanh miệt mài chuẩn bị và gửi tặng 1.000 suất cơm chay giá 0 đồng tới những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. 

Ấm lòng những suất cơm giá 0 đồng

Đúng 10h00 sáng mỗi ngày từ thứ hai đến chủ nhật, cổng sau bệnh viện Bạch Mai lại rộn ràng tiếng nói cười của một nhóm người mặc tạp dề xanh, họ luôn tay luôn chân, mỗi người một việc, có người nhặt rau, có người thái quả, có người nấu cơm, có người đứng bếp. Họ là tình nguyện viên của Bếp chay An Vui 0 đồng thuộc nhóm Thiện Nguyện An Vui.

Họ đa dạng lứa tuổi và ngành nghề, có người là học sinh, có người là sinh viên, có người đã đi làm, có người đầu tóc đã bạc phơ, họ về đây, gặp nhau cùng chung tay tạo nên những giá trị, những điều tử tế và ấm áp cho cuộc sống thông qua những suất cơm chay giá 0 đồng. 

Tình nguyện viên phân chia công việc cho kịp giờ trao gửi những suất cơm. Ảnh: Mai Hương 

Được biết nguyên liệu để làm những suất cơm chay hoàn toàn được các mạnh thường quân ủng hộ. Chị Nguyễn Lê Phương Thảo (26 tuổi, Hà Nội), tình nguyện viên, cho biết mỗi ngày, bếp ăn đều được các mạnh thường quân ủng hộ thực phẩm, từ gạo, rau, gia vị, tất cả đều là đồ chay... và chở đến tận nơi. Sau khi nhận thực phẩm, nhóm sẽ cùng nhau lên thực đơn cho ngày hôm sau, được ủng hộ gì sẽ nấu món đó.

“Chúng mình sẽ lên thực đơn theo những thực phẩm được gửi tặng. Mỗi bữa sẽ có đủ một món mặn như nấm xào, chuối om đậu, một món canh như canh mướp, canh rau mồng tơi, tuy nhiên nhóm sẽ cố gắng chế biến đa dạng những thực phẩm đó để không bị nhàm chán”, chị Thảo cho hay.

Thực đơn sẽ được lên từ ngày hôm trước, dựa theo những thực phẩm được ủng hộ. Ảnh: Mai Hương 

Đúng 14h30 chiều, sau khi đã hoàn thành thực đơn các món, hàng trăm người dân tới xếp hàng nhận cơm, họ đa phần những người có hoàn cảnh khó khăn, có thể là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, sinh viên nghèo, lao động chân tay.

Theo chị Thảo, mặc dù nhóm chọn phát cơm lúc 14h30, một khung giờ khác so với nhiều bếp ăn khác, nhưng hoan hỉ vẫn được nhiều cô chú tới ủng hộ.

Lý do chọn khung giờ ấy bởi đa số tình nguyện viên nhóm là các bạn trẻ, sáng đi làm và buổi trưa sẽ tranh thủ qua đây nấu ăn, những suất cơm này sẽ được cô chú để dành cho bữa chiều.

Mỗi người tới nhận cơm sẽ cầm theo cặp lồng hoặc hộp nhựa. Ảnh: Duy Nghĩa 

Đặc biệt khi tới nhận cơm, trên tay mỗi người đều có một chiếc hộp, một chiếc cặp lồng nhận cơm riêng. “Bếp chay An Vui sẽ không sử dụng hộp xốp, thìa nhựa để đựng cơm mà mỗi người sẽ được phát một chiếc hộp nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng cơm. Làm như vậy để vừa bảo vệ sức khoẻ cho người dân vừa bảo vệ môi trường, hạn chế không xả rác”, chị Thảo tâm sự.

Ông Lê Quang Tuấn (Nam Định) đang chăm người nhà tại Khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai tới nhận cơm cũng đã gần 1 tháng, biết đến bếp ăn An Vui qua những người nằm viện trước, ông thấy may mắn: “Hạnh phúc quá khi thấy người trẻ có những hoạt động ý nghĩa như thế này. Cơm các bạn nấu rất ngon, giúp tôi và những người khác tiết kiệm được nhiều chi phí, đặc biệt là những người ở viện lâu ngày”. 

 Mỗi suất cơm mang đầy tình yêu thương của Bếp chay An Vui. Ảnh: Duy Nghĩa 

Bà Nguyễn Thị Hồng Chiến (Hòa Bình) cho biết: "Những người có người thân điều trị tại viện như chúng tôi đều chung hoàn cảnh khó khăn. Chồng tôi bị cắt trực tràng, mỗi tháng tôi phải đưa chồng xuống Hà Nội điều trị 3 lần rất tốn kém. Nhận suất cơm từ các bạn tình nguyện viên nhiệt tình, chu đáo, vui vẻ tôi thấy tuyệt vời lắm".

Chung tay lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những người quê xa phải lên Hà Nội điều trị bệnh, tốn kém nhiều chi phí, chị Diệu Đức Lạc - Trưởng nhóm Thiện Nguyên An Vui đã thành lập Bếp chay An Vui 0 đồng.

Theo chị Diệu Đức Lạc, với mục tiêu "Cho đi yêu thương là yêu thương còn mãi mãi", mỗi suất cơm là tình cảm của nhóm muốn dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn trong xã hội, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách".

Mỗi buổi sẽ có từ 20-30 bạn tình nguyện viên tham gia nấu ăn. Ảnh: Phương Thảo 

Mặc dù mới khai trương, nhưng Bếp chay An Vui 0 đồng đã nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Mỗi ngày, có khoảng 20-30 bạn tình nguyện viên cùng tham gia.

Bạn Khổng Thúy Hạnh (Trường Đại học Bách Khoa) cảm thấy hạnh phúc khi biết đến An Vui: “Tôi tình cờ biết đến bếp ăn qua bạn giới thiệu. Mặc dù mới tham gia bếp ăn được một tuần nhưng những giá trị mà tôi được nhận lại nhiều vô kể. 

Tôi được tiếp xúc với những người có tấm lòng thiện lành, tôi được tự tay chuẩn bị những suất cơm đong đầy tình yêu thương. Những điều ấy giúp tôi thấy rằng, ở ngoài xã hội kia, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ chúng ta", Hạnh tâm sự.

Anh Trọng - Đầu bếp chính tại Bếp chay An Vui. Ảnh: Phương Thảo 

Anh Phạm Hữu Trọng (27 tuổi, Hà Nội) đầu bếp chính tại An Vui: “Bản thân mình chưa từng được đào tạo qua trường lớp nấu ăn, nhưng lại thích nấu ăn từ bé nên khi thấy công việc đứng bếp, mình xung phong nhận luôn.

Mình hạnh phúc khi được đem niềm đam mê nấu ăn đi phục vụ bà con, khi mọi người lấy cơm, thấy mọi người vui, khen cơm ngon, mình càng có thêm động lực nấu ăn”.

Nhóm Thiện Nguyện An Vui, qua hơn 5 năm thành lập, không chỉ dừng lại ở việc nấu cơm chay trao tặng người khó khăn. Thiện Nguyện An Vui còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Tổ chức phiên chợ vùng cao, trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; Lát 10.000 viên gạch làm sân và đường lên chùa Bạch Lộc - Hà Tĩnh; Tổ chức chương trình chuyến xe cuối năm - đưa các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều về quê ăn Tết...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn