MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Tình - người phụ nữ 12 năm tình nguyện đi tìm mộ liệt sĩ trên khắp cả nước.

12 năm thầm lặng tìm mộ liệt sĩ

Thuỳ Trang LDO | 06/03/2020 12:00
Gần 12 năm qua, chị Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1970) - Đội trưởng Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng - từng phải giấu gia đình, tự bỏ tiền túi để giúp nhiều gia đình tìm mộ liệt sĩ.

Cuộc đời chị là những câu chuyện có nhiều nụ cười nhưng cũng không ít nước mắt. “Chẳng may mất đi người thân khi còn trẻ nên tôi hiểu nỗi đau chia ly. Lần đầu tiên khâm liệm cho một liệt sĩ, tôi bật khóc vì thương” - người phụ nữ băng qua không biết bao nhiêu con đồi, đỉnh núi của ba nước Đông Dương rớt nước mắt khi kể lại hành trình của mình.

Căn nhà nhỏ của chị Tình ở xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng chẳng mấy khi có người, bởi cứ nghe tin có phần mộ cần tìm kiếm là chị lại lên đường. Chuyến đi có khi kéo dài 1 tuần đến nửa tháng. Nhưng thi thoảng, cũng căn nhà ấy lại đông người tới lui. “Vừa qua, có gia đình liệt sĩ là người dân tộc miền núi. Họ chỉ đủ tiền đón xe đến đây, thức ăn là vài lon gạo đem theo. Tôi đón họ về, nấu cơm nước, đưa đi tìm mộ rồi đón xe để họ đưa liệt sĩ về” - chị Tình kể.

Nhắc về cái duyên đến với công việc hiện tại, chị Tình kể, 22 năm trước, chồng của chị đột ngột qua đời vì tai nạn, con trai lúc đó mới 3 tháng tuổi. Nỗi đau quá lớn khiến chị không còn ý định đi bước nữa. Rồi nhiều lần biết được công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ của cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh, lại vốn có cha và chú đều từng tham gia ở các chiến trường, chị Tình ngỏ ý hỗ trợ.

Nhắc đến đây, chị Tình lấy ra chồng hồ sơ dày, vừa lật giở vừa kể: “Đây là bản đồ tìm mộ liệt sĩ ở Tây Nguyên, Campuchia, Lào. Tất cả tôi đều phải tự học để biết địa điểm đi tìm mộ. Có lúc may mắn tìm được mộ liệt sĩ khi trời đã đứng bóng, tôi cứ ngồi nhổ cỏ hăng say, vì mừng quá”.

“Tham công tiếc việc” là vậy nhưng ít ai biết, chị Tình đã phải giấu gia đình để theo đuổi công việc không lương, thậm chí phải bỏ tiền túi ra giúp các gia đình liệt sĩ. “Nhiều người nói đầu óc tôi có vấn đề, thậm chí người thân trong gia đình còn giận, nghĩ sai về tôi” - cuộc trò chuyện bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt của người phụ nữ đã gồng mình trước điều tiếng.

Chị kể, có lần chị gửi bức ảnh đang khâm liệm một liệt sĩ cho người bạn. “Họ nhắn lại hỏi, sao em lại chọn việc nặng nhọc như vậy. Kể từ đó, tôi không dám kể nhiều về mình vì nghĩ cũng tủi thân” - chị Tình kể. Buồn tủi vậy đó, nhưng chị Tình vẫn ngày ngày lần mò từng hồ sơ, đến cái cổng nhà cũng đập đi xây lại để xe chở liệt sĩ và người nhà vào được tận trong sân.

“Bây giờ gia đình hiểu công việc của tôi, vậy là mừng lắm rồi. Niềm mong mỏi của tôi bây giờ là đội tìm kiếm được về trực thuộc một đơn vị nào đó. Rồi tôi sẽ trưng dụng nhà của mình để đặt làm trụ sở, công bố địa chỉ ra để các gia đình liệt sĩ cần giúp đỡ có thể gửi thư, hồ sơ về. Còn hàng nghìn ngôi mộ chưa được trả tên cho các anh chị, chưa được về quê” - chị Tình vừa nói vừa chỉ vào chồng hồ sơ dày.

Quanh nhà chị treo đầy ảnh kỷ niệm, không có một bằng khen, chưa một lần nhận được sự tôn vinh của bất kỳ ai nhưng người phụ nữ ấy vẫn đi hết không biết bao nhiêu ngọn núi đỉnh đồi để mang lại niềm an ủi cho biết bao gia đình liệt sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn