MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"4 đợt chống dịch COVID-19, tôi ở cộng đồng nhiều hơn ở nhà"

Linh Chi LDO | 26/05/2021 06:00

Đã 9 tháng tham gia vào công cuộc cùng cả nước chống dịch COVID-19, bác sĩ Vũ Trí Tuệ - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) dường như đã quen với việc phải làm việc bất kể đêm ngày, bất cứ khi nào có nơi cần là "lên đường".

Đi vào tâm dịch trong tâm thế sẵn sàng

Giữa cái nắng 37 - 38 độ của những ngày đầu hè, trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít đến khó thở, bác sĩ Vũ Trí Tuệ phải tranh thủ từng giây cùng đồng đội truy vết những ca mắc COVID-19 tại Bắc Giang. Mỗi ngày, anh phải lấy khoảng 2-3000 mẫu xét nghiệm của người dân tại đây. Vẫn là những ngày ăn uống dở dang, giấc ngủ trưa trở nên hiếm hoi nhưng với anh, 9 tháng vừa qua đã thành quen.

Bác sĩ Vũ Trí Tuệ và gần 200 bác sĩ bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển lên xe tới Bắc Giang. Ảnh: CDC Quảng Ninh.

Bắc Giang bùng dịch nhanh chóng với số ca nhiễm tăng vọt từng ngày và trở thành một trong những điểm nóng COVID-19 "nguy hiểm" nhất của cả nước. Không đứng nhìn, Quảng Ninh đã cử 200 cán bộ của bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển (Uông Bí), trong đó có bác sĩ Vũ Trí Tuệ.

"Những ngày đầu khối lượng công việc rất nhiều vì chúng tôi phải triển khai vừa truy vết, vừa lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Có ngày, trung bình, nhóm tôi phải lấy khoảng 2.000 - 3.000 mẫu xét nghiệm, cả đoàn là 15.000 - 20.000 mẫu. Căng thẳng lắm, do tính chất dịch tễ ở Bắc Giang rất phức tạp, quy mô rộng và khó xác định", bác sĩ Tuệ cho biết.

"Đi vào tâm dịch" - 4 từ nghe thôi đã khiến nhiều người phải chùn chân, thế nhưng bác sĩ Vũ Trí Tuệ và gần 200 đồng đội của mình thì không. Với họ đó là công việc nhưng cũng là tinh thần, trách nhiệm chung cùng cả nước chống dịch.

Bác sĩ Vũ Trí Tuệ và đồng đội luôn động viên nhau khi làm việc bất kể ngày đêm. Ảnh: NVCC.

"Ai cũng nhớ nhà nhưng ai cũng đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu"

Để có thể yên tâm công tác, đằng sau bác sĩ Vũ Trí Tuệ là một hậu phương vững chắc, là một người vợ thấu hiểu và cô con gái nhỏ 9 tháng tuổi bé bỏng. Lên đường chống dịch từ khi vợ đang mang bầu, anh gặp cô con gái qua màn hình điện thoại có lẽ nhiều hơn thời gian được ôm ấp, vỗ về con. Thế nhưng, nhiều khi anh đành gác nỗi nhớ ấy sang một bên để đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu, vì sức khoẻ cộng đồng.

"Ai cũng có gia đình, trong hoàn cảnh này thì ai cũng nhớ cả. Nhưng bây giờ nhiệm vụ chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Nghĩ về gia đình chúng tôi cũng không buồn đâu mà lấy đó làm động lực để quyết tâm dập được dịch, còn các vấn đề khác chúng tôi gạt sang một bên", đó là quyết tâm không chỉ là của riêng bác sĩ Tuệ mà cũng là của tất cả các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Các bác sĩ, nhân viên y tế Việt Nam - Thuỵ Điển đều lên đường với quyết tâm cao sớm dập được dịch COVID-19. Ảnh: LDO.

Anh kể, có những gia đình vợ đang mang bầu, con còn rất nhỏ nhưng các bác sĩ vẫn phải gác lại để lên đường chống dịch. Có những lúc tối muộn, tranh thủ gọi điện về nhưng gia đình đã đi ngủ. Ngay cả, bản thân anh, 9 tháng, 4 đợt chống dịch "ở cộng đồng nhiều hơn ở nhà" nên gia đình cũng đã quen, đến nỗi con gái cũng quen việc nhìn bố qua màn hình điện thoại.

Đối với anh, điều mong muốn nhất lúc này là tất cả mọi người hãy cố gắng nhiều hơn, cùng hỗ trợ cho các đoàn y bác sĩ có thể hiện tốt nhiệm vụ, đẩy lùi được dịch bệnh sớm nhất có thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn