MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
58 y bác sĩ "ngược đường", xông pha vào tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: Thuỳ Trang

58 y bác sĩ "ngược đường", xông pha vào tâm dịch Đà Nẵng

THUỲ TRANG LDO | 07/08/2020 09:32

Ngày 7.8, 58 y bác sĩ tình nguyện đến từ TP Hải Phòng và Bình Định đã chính thức nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến Hoà Vang, Tiên Sơn và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Như được “toại nguyện”, họ khoác balo lên vai, mạnh mẽ bước về phía trước. Họ đi đến những nơi mà vốn dĩ ngay từ đầu đã ngược đường, ngược lối với tất cả để lao vào tâm dịch. Thế nhưng, cũng chính ở nơi ấy, trái tim họ mách bảo: “Những người đồng nghiệp áo trắng Đà Nẵng đã kiệt sức nhiều ngày nay đang đợi. Chúng tôi sẽ đến và chiến đấu đến ngày cuối cùng” – nữ bác sĩ đến từ Bình Định gửi lời nhắn nhủ.

Đi để chịu khổ cùng đồng nghiệp

Mở đầu câu chuyện về hành trình đến với Đà Nẵng, điều dưỡng Bùi Thị Nhàn công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng nói dứt khoát: “Chúng tôi đi là để chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Mọi người đều đã chuẩn bị sẵn sàng sẽ chiến đấu ngay tại các bệnh viện dã chiến hay bất kì đâu mà Đà Nẵng cần”.

Sự chuẩn bị mà chị Nhàn nhắc đến là từng túi bột giặt, móc treo quần áo cho đến đồ dùng cá nhân. “Lịch đi của đoàn dự kiến ngày 8.8 nhưng ngày 5.8 đã được thông báo phải lên đường. Nhiều người chưa kịp chuẩn bị, có quần áo gì, chúng tôi cho vội vào balo. Xác định đi tiếp viện cho Đà Nẵng là sẽ ăn ngủ nghỉ và làm việc ngay tại bệnh viện nên vừa đến nơi, mọi người phải đi mua đồ cá nhân để dùng khi cách ly” – từng lời chia sẻ của chị Nhàn khiến nhiều người như tưởng họ sắp lao vào tâm dịch ngay tức khắc.

 Y bác sĩ đến từ Hải Phòng đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Phong

Nhắc đến bệnh nhân mắc COVID-19, nhiều người đã giật mình, né xa. Chưa kể bệnh viện dã chiến là nơi có điều kiện ăn ở hạn chế, các y bác sĩ sẽ rất vất vả. Vậy nhưng, chẳng điều gì làm họ ngại ngần.

Nữ điều dưỡng Tạ Thị Ngọc Ánh đến từ Hải Phòng, vừa mới kết hôn được 1 tháng vẫn xung phong lên đường. “Tôi có kinh nghiệm chống dịch tại Hải Phòng trong 3 tháng. Tôi còn trẻ, có sức khoẻ nên tự tôi thấy mình có trách nhiệm phải đi. Thật ra dự định là vợ chồng sẽ đi tuần trăng mật tại Đà Nẵng nhưng dịch lại ập đến, tôi nói với chồng sẽ đi Đà Nẵng một mình. Chống dịch xong, đợi ngày Đà Nẵng tươi đẹp trở lại sẽ đưa chồng vào chơi” – lời chia sẻ của Ánh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cô gái nhỏ nhắn nhưng có đôi mắt đầy quyết tâm.

 Xác định đi là vất vả, nữ điều dưỡng Ánh (bên phải ngoài cùng) và Hải đều xác định chung sức với đồng nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Long

Nhìn về phía con đường trước mắt, Ánh cho hay, cô biết từ khách sạn nơi mình đang ở, chỉ cần đi thêm vài chục mét nữa sẽ đến 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng đang bị cách ly. “Chúng tôi hy vọng mình sẽ là những ngọn lửa nhỏ, tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho những người đồng nghiệp Đà Nẵng. Chúng tôi đã ở đây rồi, sẵn sàng chung vai gánh vác mọi khó khăn phía trước” – chị Ánh nói.

Ngày đoàn tụ là ngày Đà Nẵng bình yên

Tiếp bước đến Đà Nẵng ngay sau đoàn y bác sĩ Hải Phòng là 25 nhân viên y tế của TP Bình Định. Hành trình 6 giờ di chuyển bằng xe chẳng làm họ mệt nhọc. Sau những cái vẫy tay chào “chủ nhà”, họ nhanh chóng di chuyển hành lý vào nơi ở. 25 người với 25 chiếc túi vải y hệt nhau được xếp đều tăm tắp. Trong chiếc áo bluose trắng, họ trở thành những chiến binh thật sự.

 Bác sĩ Tiên hẹn gia đình ngày về là ngày Đà Nẵng hết dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Hà

Nữ bác sĩ Nguyễn Hữu Thuỷ Tiên – Bệnh viện Đa khoa Bình Định đỉnh đạc chia sẻ với báo chí: “Đi vào tâm dịch thì ai cũng lo sợ nhưng với sức trẻ, bản thân là một y bác sĩ, nhìn thấy đồng nghiệp tại Đà Nẵng những ngày qua đã thấm mệt, có anh chị kiệt sức. Tất cả cho chúng tôi sự can đảm, thôi thúc tôi và các y bác sĩ Bình Định phải lên đường. Dập tắt dịch tại Đà Nẵng, mang lại bình yên cho nơi đây cũng là niềm hạnh phúc của người dân cả nước. Chúng tôi cũng đã có lời hẹn với gia đình, ngày về sẽ là ngày Đà Nẵng không còn dịch bệnh”.

 Đà Nẵng bình yên, cả nước bình yên là khẩu hiệu của đoàn y bác sĩ tình nguyện đến từ Bình Định. Ảnh: Hữu Long

Cùng với quyết tâm ấy, anh Vũ Duy Hải – nhân viên y tế đoàn bác sĩ tình nguyện Hải Phòng cũng tin tưởng: “Quan điểm của tôi là sống phải có anh có em để giúp đỡ nhau lúc khó khăn mà không vì bất kì vật chất gì. Đoàn chúng tôi đến Đà Nẵng lần này cũng vậy, như những người anh em, cùng giúp đỡ nhau. Khi Đà Nẵng bình yên, Hải Phòng cũng bình yên. Khi anh em Đà Nẵng được đoàn viên, đó cũng là ngày chúng tôi trở về với gia đình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn