MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ân nhân của động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Hải Nguyễn - Hải Minh LDO | 19/01/2023 15:00

Họ là những nhà hoạt động môi trường tâm huyết với công tác bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Trong nhiều năm qua, những thành viên của Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã Vườn quốc gia Cúc Phương đã dành nhiều thời gian để chăm sóc, chữa trị, phục hồi tập tính và thả về rừng nhiều cá thể động vật hoang dã, quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng, cầy vằn, mèo rừng, báo hoa mai...

Hiện nay, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương có 7 nhân viên (gồm cán bộ quản lí, bác sĩ thú y, cán bộ chăm sóc động vật) và 4 tình nguyện viên.

Chia sẻ với Lao Động về công việc của mình, anh Trần Văn Trường, Cán bộ điều phối Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, trong thực tế công tác cứu hộ, tỉ lệ những loài động vật bị săn bắt được đưa về cứu chữa, chăm sóc, bảo tồn chiếm nhiều nhất. 

 Anh Trần Văn Trường cho mèo rừng ăn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Hải Nguyễn

Tùy vào từng loại động vật hoang dã được đưa về, Trung tâm lên kế hoạch chăm sóc riêng, đặc biệt ưu tiên những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Vườn thực hiện cứu hộ, nhân giống, huấn luyện những tập tính hoang dã, đảm bảo về mặt sức khỏe nguồn gen....

Từ nước Đức xa xôi, Mara Capelle (19 tuổi) đến Việt Nam và làm công việc tình nguyện viên tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Mara Capelle chia sẻ:

“Hơn 1 năm sau khi tốt nghiệp đại học và tìm công việc, mình đã quyết định tìm đến công việc cứu hộ động vật hoang dã ở Việt Nam. Công việc này đòi hỏi một quy trình mang tính khoa học, khắt khe về thời gian, công sức và đòi hỏi sự kiên trì và tình yêu với động vật.

 Mara Capelle hiện là tình nguyện viên chăm sóc động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Hải Nguyễn

Với tôi, mỗi cá thể là một câu chuyện, một số phận khác nhau. Và tôi luôn ý thức về việc trao trả chúng cho mẹ thiên nhiên là điều cần thiết để bù đắp cho hệ sinh thái".

Cũng như Mara Capelle, Frederik Schroeer (18 tuổi, người Đức) đã có một hành trình trải nghiệm thú vị hơn 4 tháng tại Vườn quốc gia Cúc phương. Tại đây, Frederik Schroeer được giao những nhiệm vụ như dọn dẹp chuồng ở của các loài động vật, kiểm tra camera, cho động vật ăn uống, theo dõi sức khỏe... 

Theo lời kể của Frederik Schroeer, thời gian đầu mới sang Việt Nam, anh cảm thấy khá bỡ ngỡ và lạ lẫm. Cũng vì đó mà anh gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với công tác cứu hộ.

Frederik Schroeer cảm thấy khá bỡ ngỡ và lạ lẫm khi mới sang Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Ban đầu, Frederik Schroeer phải nắm bắt và hiểu được tập tính của những loài động vật hoang dã ở đây. Ví dụ như với mèo rừng, Frederik Schroeer phải tìm tòi thông tin và trao đổi với các cán bộ tại Trung tâm để hiểu hơn về tập tính ăn ngủ cũng như săn mồi của chúng để biết cách chăm sóc.

Frederik Schroeer chia sẻ: "Chăm sóc và thấy được những con thú khỏe mạnh phát triển là niềm vui của không chỉ riêng tôi mà còn của các nhân viên ở đây. Nhưng động lực lớn nhất đối với tôi là khi được thấy chúng được trở về với ngôi nhà tự nhiên".

Những chú mèo rừng ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo anh Lê Trọng Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật, phụ trách cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương, để đạt được những kết quả tốt, Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện phối hợp với nhiều đơn vị liên quan.

Bản thân trung tâm cứu hộ là đơn vị có chức năng phục hồi, nhân giống,... những giống loài trước nguy cơ tuyệt chủng, sau đó huấn luyện, tái thả lại tự nhiên.

"Chuyển giao động vật hoang dã cho tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã hoặc Trung tâm cứu hộ là góp phần giúp các cá thể mèo rừng được chăm sóc trong môi trường sống gần gũi với tự nhiên và phù hợp với tập tính hoang dã của loài nhất.

Vườn quốc gia Cúc Phương trong nhiều năm qua đã tham gia cứu hộ phục hồi, huấn luyện giúp các cá thể động vật hoang dã quý hiếm đủ khả năng quay về tự nhiên và tái hoang dã" - anh Lê Trọng Đạt cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn