MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (thứ hai, phải qua). Ảnh: X.H

Bà bí thư chi bộ tận tụy

Xuân Hùng LDO | 30/03/2020 14:42
Bà Nguyệt là người ngụ cư, lại mua đất ở rìa làng. Ban đầu, bà lo lắng không biết có hoà nhập được không. Vậy nhưng bằng tất cả yêu thương cho đi, bà đã được thương yêu, được làng che chở.

Cho đi tình yêu thương, sẽ nhận lại thương yêu!

Bà Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1955, tại xã ven biển Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá. Sau khi về chế độ 176, bà Nguyệt xây dựng kinh tế gia đình tại thị xã Sầm Sơn. Vậy nhưng làm ăn khó khăn, năm 2014, kinh tế ngày càng sút kém, gia đình bà quyết định mua mảnh đất ven thôn Đông Văn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương (nay là TP.Thanh Hoá) để ở.

Tâm lý người ngụ cư, nơi khác đến ở ven một làng đã có lịch sử hàng trăm năm, có tính cố kết cộng đồng dân gốc cao làm bà lo lắng. Nhưng rồi, với quan niệm, mình cứ sống tốt thì nơi đâu người ta cũng quý, bà chủ động hoà nhập với cộng đồng nơi ở mới. Bước đầu là thăm hỏi, quan tâm tới những người ở rìa làng, gần nhà bà.

“Ban đầu, họ cũng nghi ngại, khó gần. Nhưng với sự quan tâm chân thành, đi lại thăm hỏi nhau thường xuyên, dần dần rồi người ta cũng hiểu, chia sẻ và nói chuyện với mình” - bà Nguyệt tâm sự.

Được dân yêu thương và cán bộ, đảng viên tín nhiệm

Nhưng cánh cửa đưa bà và gia đình hoà nhập với nơi ở mới, đồng cảm, chia sẻ, yêu thương và được thương yêu là từ công tác Đảng.

Ngay từ những ngày đầu chuyển sinh hoạt Đảng đến chi bộ làng, bà Nguyệt tích cực tham gia sinh hoạt. Buổi sinh hoạt, cuộc họp nào, bà cũng tích cực phát biểu xây dựng, tìm ra cách làm hay, hiệu quả cho chi bộ với tinh thần tất cả vì người dân. “Từ ngày có cô Nguyệt tham gia sinh hoạt tại chi bộ, các hoạt động sôi nổi và hiệu quả hẳn lên” - ông Nguyễn Bá Quý, Trưởng thôn Đông Văn, nguyên Bí thư Chi bộ thôn, nói.

Từ nghị quyết của chi bộ, bà Nguyệt là người tích cực nhất trong việc thực hiện và vận động dân làng cùng thực hiện việc làm sạch đường làng ngõ xóm. Lời nói đi trước, cây chổi liền tay, không quản sớm hôm, bà vận động người dân cùng chung tay từng ngày thay đổi môi trường sống. “Ban đầu chỉ vài người rồi đông hơn, sau mọi người thấy hợp lý, có ích thì tự giác làm, tạo thành phong trào” - bà Nguyệt chia sẻ.

Năm 2019, thấy con đường từ làng ra đồng vừa nhỏ, khó đi lại, thường xuyên bị rác bủa vây, bà Nguyệt đề xuất với chi bộ quyết tâm làm sạch, mở rộng. Bà là người đi đầu, vừa vận động, vừa xắn tay làm, vừa là người tài trợ và kêu gọi tài trợ. Con đường gần 500m đã hình thành, đẹp đẽ, sạch sẽ, đi lại thuận tiện.

Từ con đường này, bà tiếp tục kiên trì cùng chi bộ vận động bà con trong thôn cùng nâng cấp làm sạch đường làng ngõ xóm. Phương pháp của bà Nguyệt là kiên trì vận động bằng tình cảm và trách nhiệm. Dù cả xóm đồng ý nhưng chỉ cần 1 hộ gia đình không đồng ý là bà khuyên mọi người không nên làm. Bà lại tiếp tục vận động, thuyết phục cho đến bao giờ 100% hộ gia đình đồng ý thì mới thực hiện. Có hộ gia đình, bà đã... đến chơi tới 30 lần mới thuyết phục nổi.

Những việc làm vô tư, nhiệt huyết của bà Nguyệt được dân tin, yêu thương, được cán bộ, đảng viên tín nhiệm. Bà được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, phụ trách công tác mặt trận. Bà càng nhiệt tình hơn, trách nhiệm hơn với cộng đồng dân cư giờ đây đã gắn bó máu thịt, là quê hương thứ hai của bà.

“Bà Nguyệt là bí thư chi bộ gương mẫu, chân thành, tâm huyết với tất cả hoạt động cộng đồng. Có được cán bộ cơ sở như bà Nguyệt, lãnh đạo xã cũng rất yên tâm” - ông Nguyễn Văn Lung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn