MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đỗ Thúy Nga trong căn phòng nhỏ tầng 4 với cuốn album lưu lại những hình ảnh các em học tại trung tâm. Ảnh K.Anh

Bà giáo già - Người có "mối duyên lạ" với những trẻ khuyết tật

KIM ANH - ÁI VÂN LDO | 20/11/2020 10:35

Gần 12 năm gắn bó với nghề y, bà Đỗ Thúy Nga (78 tuổi) lại có mối duyên “lạ” với những đứa trẻ đặc biệt, thành lập Trung tâm Hy vọng, “gieo mầm ước mơ” cho trẻ khuyết tật.

Mối duyên với những đứa trẻ “kỳ lạ”

Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 1966, sau 12 năm là Chủ nhiệm khoa nhi tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội), bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ - trẻ em, rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình, Hà Nội.

Làm quản lý giáo dục cấp 1, cấp 2, trước khi về hưu, bà Nga đã có những cuộc kiểm tra, khảo sát và bà nhận thấy ở một số trường đều có những đứa trẻ rất “kỳ lạ”.

“Ở một số trường Tiểu học, trường mầm non có lác đác một số em không bình thường. Nhiều em không chơi với ai, cắn cấu bạn và luôn không để tay chân yên. Có những em cô giáo phải buộc dây vào chân để cố định lại trong một cái cột bàn. Lớp học nào cũng có những em bé được cô giáo chăm sóc “rất kỹ” ở cuối lớp”, bà Nga cho hay.

Tâm huyết với trẻ chậm phát triển trí tuệ, sau khi về hưu bà Nga đã “gom” những em nhỏ ấy vào một lớp học. Từ một nhóm trẻ gồm 10 người đến nay sĩ số các lớp đã lên đến 60-70 em. Thời gian đầu, khi những trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật còn ít, vì vậy rất nhiều em từ các tỉnh xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Lạng Sơn,… cũng đến trung tâm của bà Nga theo học.

Bà Đỗ Thúy Nga cùng các em học sinh lớp can thiệp sớm. Ảnh K.Anh

Lớp học “đặc biệt” của bà Nga đa dạng rất nhiều những học sinh khác nhau. Có những em bé học lớp 7 vẫn chưa biết đọc, biết viết, lại có những em 7 ngày không nhớ được 1 chữ A, 4 ngày không làm được một bài toán cộng trừ. Một số lớp các em lại không bình thường về tâm sinh lý, hành vi. Các em được xếp lớp theo độ tuổi, loại bệnh cũng như khả năng tiếp nhận thông tin.

“Từng làm bác sĩ khoa nhi tại bệnh viện và cũng từng điều trị rất nhiều những ca bệnh viêm màng não sau này để lại những di chứng. Đã có nhiều gia đình các em nhiều người phải bán cả tài sản cơ nghiệp để chữa bệnh cho con mình nhưng lại phải “ôm” vào lòng mình một đứa trẻ khuyết tật. Thấu hiểu những điều đó nên tôi đã quyết định xây dựng trung tâm, phần nào chia sẻ gánh nặng với các gia đình”, bà Nga tâm sự.

Kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ

“Ở trung tâm, các cô giáo dạy trẻ bằng phương pháp gần gũi và yêu thương với trẻ, dạy các em từ những điều đơn giản nhất. Từ việc cầm thìa, đũa, xúc cơm, dạy các em có thể bập bẹ nói vài ba từ “bà, mẹ” cho đến dạy những phép toán cơ bản nhất. Nếu không tâm huyết và kiên nhẫn, có tình yêu với trẻ thì khó theo nghề được lâu dài”, bà Nga nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Quý (46 tuổi), người đã gắn bó với trung tâm Hy vọng ngay từ những ngày đầu chia sẻ: “Khi nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ, mình có thể dựa vào đó để thay đổi theo từng phương pháp giáo dục khác nhau. Không chỉ hiểu trẻ mà phải hiểu cả gia đình trẻ, có sự cảm thông và chia sẻ, phối hợp để dạy trẻ những hành vi hàng ngày”.

Bà Nga nói, bà rất may mắn vì có thể phần nào can thiệp sớm và giúp đỡ những em nhỏ có thể hòa nhập cộng đồng. Em Hoàng Thục Anh (SN 1993), là một trong những học sinh đầu tiên của trung tâm theo học 8 năm liền. Em bị bại não, động kinh, tay phải bị liệt hoàn toàn nhưng em có thể viết bằng tay trái rất đẹp. Sau khi ra trường, Thục Anh học lớp học thêu và dành tặng cô giáo Nga một tác phẩm thêu hoàn chỉnh nhân dịp 10 năm trung tâm thành lập.

Vừa là giáo viên, vừa là bác sĩ, hiện tại, bà Nga vẫn thường xuyên khám bệnh cho trẻ nên em nhỏ nào bị bệnh gì là bà đều có thể kê đơn thuốc cho các em.

Ở cái tuổi gần 80, đến nay đã gần 20 năm gắn bó với lớp học đặc biệt nằm sâu trong con phố Kim Mã (Hà Nội), khi đôi mắt đã mờ, đôi chân đã chậm dần, nhưng bà Nga vẫn đang hàng ngày giúp đỡ những trẻ em còn đang thiệt thòi. Với bà, niềm vui được làm việc, được nghe thấy tiếng nói, tiếng cười, sự thay đổi từng ngày của các em là điều hạnh phúc lớn lao nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn