MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Bà tiên” giữa đời thường ở thành phố biển

NGUYÊN ANH LDO | 04/07/2020 07:30
Ở cái tuổi 71, đáng ra bà Xuân đã an dưỡng tuổi già bên con cháu, thế nhưng mọi việc lớn nhỏ ở địa phương, nơi nào có người cần bà đều có mặt.

Cứu nhân của những mảnh đời bất hạnh

Một buổi trưa nắng gắt, theo chân bà Nguyễn Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Bình, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đến nhà người dân có hoàn cảnh khó khăn mới thấy được sự dẻo dai, ý chí và cái tâm của người làm công tác chữ thập đỏ. 

Chúng tôi đến 1 con hẻm nhỏ của đường Thiên Hộ Dương, phường An Bình. Đường đi hơi ngoằn nghèo, bà cười bảo: “Con chịu khó nhe, mấy hộ cô đi phát gạo, mỳ hàng tháng thường nhà xa”. Tôi chưa kịp trả lời thì mấy hộ dân ở đây đã vẫy tay gọi to: “Cô Năm đến rồi”! Hiếm có một người cán bộ nào mà người dân thương yêu dành tình cảm như thể người thân ruột thịt như bà Xuân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (86 tuổi, mẹ), bà Đoàn Thị Thu Ba (54 tuổi, con) nhờ bà Xuân giúp đỡ, vận động xây nhà, cho mỳ và gạo hàng tháng. Ảnh: Nguyên Anh

Đến thăm gia đình bà Hạnh, hai mẹ con bà đều đau yếu, bệnh tật không làm ra tiền lại không có ai thân thích. Trước kia, nhà của bà là một chòi lá, mưa gió sập tan tành. Nhờ bà Xuân vận động mạnh thường quân đã xây được ngôi nhà tình nghĩa cho 2 mẹ con.

Bà Thu Ba xúc động, vừa khóc vừa nói: “Mấy bữa trước cô Năm đi công tác bị xe đụng gãy chân chưa lành mà còn ráng chở gạo vô cho mẹ con tôi. Đó giờ không có cô Năm chắc nhà tôi không thể sống đến hôm nay. Tôi không biết sao trả hết ơn này chỉ cầu mong cô Năm luôn khỏe mạnh để giúp cho nhiều người khác”.  

Cả cuộc đời dành cho công tác xã hội

30 tuổi hôn nhân tan vỡ, hạnh phúc không trọn vẹn với mình nhưng bà luôn là người mang hạnh phúc đến cho người khác. Bà Xuân bùi ngùi nhớ lại một người bị nhiễm HIV đã mất tên là M: “Cô chở đi xét nghiệm, rồi biết bị bệnh M định nhảy cầu tự tử. Cô khuyên can dữ lắm. Rồi nó cũng xuôi theo cô”.

Suốt thời gian đó, một tay bà Xuân chăm sóc, thuốc thang, vệ sinh cá nhân, tiêm thuốc cho M. Bà đượm buồn nói: “Người nhà không ai quan tâm, M tự ở nhà trọ. Lúc bệnh trở nặng chăm sóc khó lắm. Cắt tóc mà nước vàng nó chảy ra, rồi miệng thì nấm nên không ăn uống gì được. Cô phải chích thuốc, mua thuốc nam về tắm rửa cho”.  

Bận rộn công tác cả ngày bà còn dành thời gian đi nhặt bơm kim tiêm ở các công viên hay bất kể nhìn thấy trên đường đi. Ảnh: Nguyên Anh

Bà Xuân tâm sự: “Làm công tác xã hội không chỉ là trách nhiệm mà còn cần cái tâm”. Bất kể ngày, đêm hay mưa gió gì, ở đâu có người gọi cần giúp là bà đến ngay. Nói có vẻ đơn giản nhưng để làm được như bà Xuân thì không hề dễ dàng. 

Học theo Bác, làm theo Bác

Bà Xuân chia sẻ thêm: “Mình nhớ lời Bác dạy, làm công tác chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết, làm sao để giảm bớt đau thương cho họ”. Lương không cao, gia đình chỉ tạm đủ ăn thế nhưng bà vẫn trích mỗi tháng 500.000 đồng cho công tác xã hội.

Qua việc vận động bà Xuân đã kết nối được các mạnh thường quân, hỗ trợ thuốc khám bệnh cho nhân dân nghèo, vận động phát gạo, cất nhà tình thương, vận động hiến máu, sách vở phát cho học sinh nghèo. Xây dựng mô hình dân vận khéo, đề xuất với cấp ủy thành lập trại hòm nhân đạo để giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường và các phường, xã lân cận...

Dù nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương đến tỉnh nhưng bà Xuân sống rất giản dị và khiêm nhường. Khi được hỏi điều bà mong muốn cho bản thân, bà cười và nói chỉ mong sao có nhiều sức khỏe, cống hiến tiếp tục cho xã hội là điều hạnh phúc nhất rồi. Còn người dân ở thành phố biển Rạch Giá thì trìu mến gọi bà là bà tiên giữa đời thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn