MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Lê Ngọc Lâm đang điều khiển robot. Ảnh: Lục tùng

Bác sĩ chế tạo robot bảo hộ đồng nghiệp

Lục Tùng LDO | 11/04/2020 08:01
Chỉ cần ngồi tại phòng điều khiển, robot sẽ mang thực phẩm, thuốc uống đến tận chỗ người đang điều trị COVID-19 trong khu cách ly y tế. Sáng kiến này không chỉ góp phần bảo hộ thầy thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm virus mà hơn thế nữa...

Công cụ hữu ích trong công tác phục vụ điều trị

Lo đồng nghiệp tham gia điều trị công dân dương tính với virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ (BS) chuyên khoa I Lê Ngọc Lâm - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, TP.Sa Đéc (BVĐKSĐ) - đã nảy sinh ý tưởng chế tạo thiết bị giúp đồng nghiệp giảm tiếp xúc gần.

BS chuyên khoa II Trần Thanh Tùng - Giám đốc BVĐKSĐ - nhớ lại: “Một ngày sau khi nhận 4 công dân dương tính vào điều trị, BS Lâm gặp tôi trình bày ý tưởng chế thiết bị hỗ trợ. Mới nghe, tôi rất mừng, sau đó thì lo vì sợ kinh phí cao, thời gian nghiên cứu kéo dài. Nhưng khi biết chi phí vật tư khoảng 2 triệu đồng, thời gian hoàn thành là 4 ngày, tôi đồng ý và hỗ trợ ngay”.

Chưa đầy 3 ngày, BS Lâm đã trình làng sản phẩm “Robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân khu cách ly”. Tổng chi phí vật tư chưa đầy 2 triệu đồng, nhưng robot trọng lượng 4,5kg này đã trở thành công cụ hữu ích trong công tác phục vụ điều trị.

Chỉ cần ngồi tại phòng làm việc, với vài thao tác bấm nút trên dụng cụ điều khiển từ xa, nhân viên có thể đưa tận tay người bệnh thuốc uống, cơm ăn, hay quần áo với trọng lượng 10kg mà không cần phải đến tận nơi như trước đó. Điều này không đơn thuần là ứng dụng công nghệ tạo ra thiết bị thay thế sức người, mà còn giúp đội ngũ thầy thuốc giảm tiếp xúc gần với người bệnh.

Mới 40 tuổi, nhưng BS Lâm đã là “cây sáng kiến” ở BVĐKSĐ với nhiều công trình sáng tạo rất thiết thực và tạo “thương hiệu” cho đơn vị. Điển hình như: “Máy ly tâm tế bào để bàn sử dụng công nghệ biến tần - đa chức năng”; “Hệ thống rửa dạ dày kín tự động” (đạt Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2017, 2019)...

Tiếp tục cải tiến, thêm nhiều tính năng vượt trội

Mặc dù robot vận chuyển mới chế tạo được đánh giá cao, nhưng BS Lâm vẫn chưa hài lòng. Sau khi chủ động báo cáo nhược điểm, giải pháp khắc phục và được giám đốc ủng hộ, BS Lâm tiếp tục nghiên cứu cải tiến.

Sau hơn 2 ngày, robot thế hệ thứ 2 ra đời với nhiều tính năng vượt trội. Cải tiến bộ phận cảm biến, điều khiển robot di chuyển thông qua màn hình điện thoại được thiết kế ngay trên bản điều khiển. Nhờ đó, mà trong phạm vi 40m, người dùng dễ dàng điều khiển robot thực hiện nhiều thao tác phức tạp hơn. Sau khi đến địa điểm, robot sẽ phát lên nhạc hiệu để thông báo cho người trong phòng ra nhận... Đáng chú ý là cải tiến nút khởi động thiết bị ngay trên bảng điều khiển thay cho thiết kế cũ đặt ngay trên thiết bị. Điều này giúp nhân viên y tế giảm tiếp xúc gần với robot sau khi đưa vào khu cách ly đến mức thấp nhất.

BS Trần Thanh Tùng chia sẻ thêm: “Không chỉ giảm đến mức tối đa nguy cơ lây nhiễm trong mùa dịch COVID-19, mà còn có thể ứng dụng vào nhiều phòng, khoa khác ngay cả khi kết thúc mùa dịch bệnh như đưa robot phục vụ tại các khoa, phòng lây nhiễm”.

Theo ông Tùng, điều này không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, mà còn làm giảm cảm giác tự ti, mặc cảm đối với một số bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh thế kỷ khi tiếp xúc với nhân viên y tế...

Đánh giá cao sáng kiến này, ngày 3.4, Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Y tế Đồng Tháp đã làm lễ khen thưởng đột xuất cho BS Lâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn