MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hy sinh cả tuổi xuân cho đất nước nhưng hễ quê hương cần, cụ Ngự vẫn xung phong lên tuyến đầu. Ảnh: Thuỳ

Các lão thành cách mạng: "Nếu còn trẻ, tôi sẽ lên tuyến đầu"

THUỲ TRANG LDO | 30/04/2020 11:47

Vừa nghe nhắc đến dịch bệnh, cụ Trương Thị Ngự, năm nay 84 tuổi đọc vanh vách những con số, nhưng để lại ấn tượng nhất trong cụ là hình ảnh các y bác sĩ mình giỏi quá mà phải làm việc vất vả. Bộ đội ta cũng đang gian nan khi canh gác trong rừng, ở biên giới. "Chúng tôi muốn đóng góp ít kinh phí mua thêm cho y bác sĩ khẩu trang, đồ phòng hộ. Nếu còn trẻ, tôi cũng xung phong lên tuyến đầu” – cụ Ngự nói chắc nịch.

Còn trẻ sẽ xung phong lên tuyến đầu

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã đón nhận món quà ủng hộ chống dịch đầy xúc động của các cụ ông, cụ bà ở Trung tâm Phụng dưỡng Người có công Cách mạng của thành phố. Họ đã dùng số tiền dành dùm từ lương hưu, tiền trợ cấp để quyên góp số tiền 10 triệu đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Nhắc về chuyện này, cụ Ngự kể, mỗi ngày, cứ 5 giờ sáng là cụ đã mở tivi nghe tin tức về dịch bệnh. Những con số về ca mắc COVID-19 tại Việt Nam hay trên thế giới đều được cụ nhớ như in và cập nhật thường xuyên.

Đặc biệt, hình ảnh những người ở tuyến đầu chống dịch khiến cụ dành nhiều tình cảm. “Từ các chốt ra vào cửa ngõ thành phố đến anh công an đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tìm người có nguy cơ mắc bệnh, rồi các y bác sĩ ngày đêm chống dịch, anh bộ đội biên phòng phải ngủ ngoài rừng, tôi nhìn mà thương lắm.

Chúng tôi được sống trong sự ưu ái, nghĩa tình của thành phố và bình yên cũng nhờ cũng con người đó nên biết Mặt trận Tổ quốc có nhận đóng góp thì liền họp nhau lại, ủng hộ mỗi người một ít” – cụ Ngự kể.

Là người trực tiếp hỗ trợ các cụ, anh Trần Văn Hải – Trường phòng Chăm sóc sức khoẻ của Trung tâm cho hay, chính anh và các cán bộ tại Trung tâm cũng bất ngờ với lời đề nghị của các cụ khi muốn quyên góp ủng hộ cho thành phố chống dịch.

“Các cụ tự bàn với nhau rồi lên đề đạt nguyện vọng với ban lãnh đạo Trung tâm. Sau đó, chính các cụ tự vận động nhau để quyên góp. Được số tiền hơn 9 triệu, các cụ lại bàn nhau gửi thêm cho tròn. Từng suy nghĩ, hành đồng của các cụ khiến anh em đều xúc động” – ông Hải chia sẻ.

Nhắc đến đây, cụ Ngự nói thêm, trong trung tâm có một cụ tai đã lãng, miệng không nói được nhưng khi mọi người viết giấy trình bày về việc ủng hộ chống dịch, cụ bà này liền đóng góp 200.000 đồng.

"Nếu tôi còn trẻ thì đã xông pha lên tuyến đầu rồi. Ngày xưa chống giặc thì ngày nay chống dịch bệnh cũng được chứ sao. Nhưng mà người trẻ bây giờ giỏi lắm, Việt Nam nhất định sẽ đại dịch” – cụ Ngự nói chắc như đinh đóng cột.

Dù ở tuổi 84 tuổi, là một trong hàng nghìn người đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của mình trên những chiến trường, mặt trận để dành hoà bình cho Tổ Quốc, thế nhưng nay, cụ vẫn ao ước được một lần lên tuyến đầu.

Nghe đất nước khó khăn là sẵn sàng giúp đỡ

Cùng với cụ Ngự, ông Huỳnh Đăng Chức cũng là một trong số những vị lão thành cách mạng xông xáo trong việc góp kinh phí ủng hộ chống dịch.

Ở tuổi 90, sức khoẻ không còn như trước nhưng cụ Chức ngày ngày vẫn đọc báo bằng chiếc kính lúp rồi xem tivi, nghe tin tức từ chiếc đài để đầu giường.

 Cụ Chức đã 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, kêu gọi mọi người chung tay chống dịch. Ảnh: Thuỳ

Nhắc đến số tiền đóng góp, cụ Chức cười hiền: “Số tiền chẳng đáng là bao, không đáng để nhắc tới. Ở đây các nhân viên y tế chăm sóc chúng tôi mỗi ngày trong mùa dịch đã vất vả thì những người ở tuyến đầu còn vất vả hơn. Hơn nữa, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết là truyền thống của người Việt, chính lúc khó khăn này thì chúng ta phải cùng nhau vượt qua”.

Trong câu chuyện miên man về dịch bệnh, nhẩm tính ngày tháng, ông Chức tự hào kể, mình là một trong những người có mặt trong ngày 30.4.1975 tại Sài Gòn.

Cảm xúc khi được sống trong những ngày đất nước thống nhất khiến ông Chức không bao giờ quên. Thế nhưng cũng vì Tổ quốc, vợ chồng ông Chức cùng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã hy sinh tuổi xuân, tình cảm riêng tư. Để đến nay, dù sống neo đơn, không con cái, được chính quyền thành phố phụng dưỡng, họ chẳng hề bi quan hay buồn tủi. Chỉ cần nghe đất nước khó khăn, họ sẵn sàng chung tay giúp đỡ.

Khoản tiền của các cụ đóng góp có thể không nhiều nhưng đó là nguồn động viên, tiếp sức cho hàng nghìn người ở tuyến đầu, để Việt Nam quyết thắng đại dịch! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn