MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cán bộ Công đoàn vùng biên và duyên nợ với hiến máu tình nguyện

Lục Tùng LDO | 01/06/2020 06:50

Không chỉ vận động cả nhà cùng tình nguyện tham gia, anh Hồ Thanh Nhã - Ủy viên Thường vụ LĐLĐ TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) còn giúp cho nhiều đoàn viên, người lao động mạnh dạn tham gia hiến máu tình nguyện.

Cả nhà cùng hiến máu

Sinh năm 1975 ở Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), nhưng anh Nhã đã có hơn một phần tư thế kỷ gắn bó ở đất Hà Tiên (Kiên Giang) với nghề dạy học. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp sư phạm, anh Nhã về dạy học ở Trường Tiểu học Thuận Yên (Thuận Yên – Hà Tiên). 

Anh Hồ Thanh Nhã, Ủy viên Thường vụ LĐLĐ TP. Hà Tiên. Ảnh: LT

Sau 10 năm dạy học, anh được điều động phụ trách Công đoàn ngành giáo dục Hà Tiên, rồi trở thành ủy viên Thường vụ LĐLĐ TP. Hà Tiên. Chính môi trường công tác Công đoàn đã đưa anh gắn bó với việc hiến máu tình nguyện.

Chuyện bắt đầu vào năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội chữ Thập đỏ “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, anh Nhã tham gia rồi gắn bó với công tác này suốt 10 năm nay như cái duyên của người cán bộ Công đoàn.

“Tính từ lần đầu tiên, đến nay tôi có 10 năm tròn với trên 20 lần hiến máu tình nguyện”. Có thể, so với nhiều người, con số 20 này không quá lớn, nhưng cái cách mà người cán bộ Công đoàn này đến với công tác hiến máu tình nguyện thì không nhiều người làm được.

Anh Hồ Thanh Nhã trong lần nhận Bằng khen UBND tỉnh Kiên Giang vì thành tích hiến máu tình nguyện. Ảnh: LT

Sau khi bản thân tham gia hiến máu, anh Nhã đã vận động vợ (chị Âu Thị Thanh Hà) cùng tham gia hiến máu. Đó là một chặng đường thuyết phục không đơn giản. Do nhiều lý do, chị Hà rất sợ máu nên luôn tìm cách “né”. Tuy nhiên bằng sự kiên trì, sau thời gian thuyết phục, anh Nhã đã làm cho vợ thay đổi suy nghĩ khi tham gia một cách tích cực. Đến nay chị Hà đã có trên 15 lần hiến máu. Không dừng lại ở đó, khi con trai duy nhất vừa tròn 18 tuổi, anh Nhã lại tiếp tục vận động con cùng tham gia hiến máu.

“Duyên nợ” với hiến máu tình nguyện

Như duyên nợ với việc hiến máu tình nguyện, không chỉ vận động cả nhà tham gia, anh Nhã còn thuyết phục nhiều đoàn viên cùng hưởng ứng.

Sau lần hiến máu đầu tiên, nhận thấy số lượng máu còn thấp so với nhu cầu của đoàn công tác, anh Nhã đã tự nguyện ra sức vận động đoàn viên tham gia trong vai trò “vận động toàn tập”, hết mình với hiến máu tình nguyện.

Cuộc sống đời thường của anh Nhã tại ngôi nhà ngoại ô TP. Hà Tiên. Ảnh: LT

Lúc đó, với nhiều người, hiến máu còn xa lạ nên phải vận động, giải thích để đoàn viên hiểu lợi ích và ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu để mạnh dạn hưởng ứng. Anh Nhã nhớ lại: “Có trường hợp, sau khi đã nhận lời, nhưng đến nơi thì lo sợ, hồi hộp... Vì vậy, tôi vừa phải ra sức động viên, vừa bưng từng ly nước cho từng người uống rồi trò chuyện để tạo sự an tâm”.

Anh Nhã trong lần nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ. Ảnh: LT

“Mỗi người, nhất là người lao động là một cá thể với nhiều góc nhìn xã hội, vì vậy phải suy đoán từng cá tính rồi vận dụng sự hiểu biết để đưa ra biện pháp tiếp cận khả thi, hiệu quả nhất” - anh Nhã khiến tôi cảm phục khi bật mí công việc mà anh âm thầm thực hiện suốt 10 năm qua.  Để làm nhiệm vụ này, anh luôn là người ra về sau cùng trong số những người tham gia hiến máu tình nguyện.

Với cách làm đặc biệt đó, anh Nhã được UBND tỉnh Kiên Giang và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen. Ông Nguyễn Minh Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - nhận xét: “Không chỉ tham gia tốt phong trào hiến máu tình nguyện, anh Hồ Thanh Nhã còn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn”.  Đó cũng là sự xác tín về hành trình vì giọt máu cứu người của cán bộ Công đoàn ở vùng biên ven biển Tây của Tổ quốc.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn