MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Phi Công - Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) - tổng hợp số liệu về liệt sĩ đã hi sinh trong những năm chống Mỹ. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 11 năm miệt mài tìm danh tính liệt sĩ

Lê Văn Vỵ LDO | 24/07/2023 06:30

11 năm qua, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công miệt mài đi tìm danh tính các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 22 trong những năm chiến tranh.

Chưa nguôi nỗi đau chiến tranh

Khu vực Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có tuyến đường 22 là huyết mạch giao thông bị đánh phá ác liệt trong chiến tranh chống Mĩ. Những năm từ 1964 - 1973, nhiều chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh tại đây.

Đặc biệt ngày 7.1.1973, tại Km 17 - 19 đường 22 đang thi công sân bay dã chiến thì bị máy bay B52 ném bom rải thảm, hơn 30 chiến sĩ đã hy sinh… Trước đó, còn có 40 chiến sĩ đại đội pháo binh đã hy sinh trên trận địa vào tháng 5.1968.

Ông Nguyễn Phi Công và tác giả trao đổi về quá trình thu thập thông tin liệt sĩ. Ảnh: HẢI ĐĂNG

“Thi hài các anh được mai táng tại nghĩa địa Cồn Rồng, Đá Bạc, sau đó quy tập lên nghĩa trang cạnh đường 17 xã Cẩm Mỹ. Đau đớn hơn là sau đó, 1 quả bom Mỹ trúng vào nghĩa trang, bố mẹ và nhân dân quê tôi xót xa nhặt từng mẩu thi hài, an táng liệt sĩ lần nữa” - ông Nguyễn Phi Công xúc động nhớ lại.

Năm 2011, Đoàn cán bộ Khu quản lý giao thông đô thị II, thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan Kẻ Gỗ, xúc động về khúc ca bi tráng của những liệt sĩ ngã xuống nơi đây đã cùng ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty Lạc An (TPHCM) quyên góp dựng đền thờ liệt sĩ. Công trình khởi công quý 4 năm 2011, năm 2012 khánh thành.

“Chẳng lẽ đến nơi thờ liệt sĩ mà cái tên cũng không có, cho nên, tôi đã tự nguyện đi tìm danh tính các anh, các chị”, ông Công nói.

Miệt mài tìm kiếm, chắp nối thông tin liệt sĩ

Đoàn văn nghệ sĩ Hội VHNT Hà Tĩnh đến viếng các liệt sĩ tại đền thờ xây dựng trong khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Ông Công tìm được ông Dương Văn Trành (quê Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, từng tham gia làm sân bay dã chiến), nắm được danh sách 18 người cùng đơn vị đã hy sinh ngày 7.1.1973. Bản danh sách chỉ có tên, quê quán, không có họ. Nhưng đó là đầu mối quan trọng để lần ra danh tính đầy đủ.

Trong số các liệt sĩ có anh Nguyễn Hữu Thực, quê xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Ông Công đã vài lần về thăm gia đình liệt sĩ.

Trong danh sách lưu tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hương Sơn, bằng Tổ quốc ghi công cấp cho liệt sĩ Thực có số LA649 C, quyết định cấp bằng 563 ngày 13.12.1973, nhưng gia đình cho biết chưa hề thấy tấm bằng đó và chưa nhận được bất cứ chế độ gì liên quan đến liệt sĩ Thực. Danh sách các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ xã Sơn Tiến cũng không có tên Nguyễn Hữu Thực.

Ông Công tiếp tục tìm đến gặp ông Lê Xuân Kỳ - nguyên trợ lý quân nhu, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 229, Bộ Tư lệnh Công binh - hiện sống tại Xuân Lộc, Đồng Nai và những nhân chứng khác trong Nam, ngoài Bắc. Sau 11 năm kiên trì tìm kiếm, bước đầu, ông Công đã lập được hai danh sách các liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Kẻ Gỗ những năm chống Mỹ.

Danh sách thanh niên xung phong hy sinh gồm 30 chiến sĩ, trong đó có có 28 người thuộc C357 N35 quê Hà Nam và 2 thanh niên hỏa tuyến là Nguyễn Đình Hiếu, Vũ Thị Bình đến từ Cẩm Dương, Cẩm Xuyên hy sinh ngày 26.7.1966, trên đường chiến lược 22.

Tất cả thanh niên xung phong đều hy sinh vào những năm 1966, 1967, 1968. Tuyến đường 22, quãng Đá Bạc là nơi nhiều chiến sĩ ngã xuống, nhất là ngày 19.2.1966, 7 chiến sĩ Thanh niên xung phong, ngày 30.6.1966 có 6 chiến sĩ thông đường quãng Đá Bạc đường đã bị bom Mỹ sát hại…

Danh sách liệt sĩ xây dựng công trình QP723 có 32 chiến sĩ, trong đó có 30 người hy sinh ngày 7.1.1973 trong trận B52 rải thảm. Hai người bị thương nặng là Trần Anh Sơn (quê Xuân Yên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hy sinh ngày 13.01.1973 và Nguyễn Viết Thanh, quê Thạch Liên, Thạch Hà, hy sinh ngày 12.1.1973.

Hiện thi hài của các liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên, Nghĩa trang xã Thiên Lộc (Can Lộc). Liệt sĩ Hà Thị Thanh, quê Tiên Điền, Nghi Xuân đã được gia đình đưa hài cốt về an táng tại quê hương.

Trước câu hỏi: “Bản danh sách ấy đủ tin cậy không?”, ông Công trả lời: “Những thông tin đưa lên hầu hết là chính xác. Thông tin năm sinh chưa thể đầy đủ vì chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn hồ sơ lưu trữ của đơn vị. Những liệt sĩ quê Hà Tĩnh, chúng tôi đã tìm đến các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, tỉnh để tìm hồ sơ, nhưng chưa có kết quả khả quan”.

Trên hành trình đền ơn đáp nghĩa, ông Công được lãnh đạo, đồng nghiệp ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đồng cảm, chia sẻ. Có những người sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ. Vợ con, gia đình còn dành dụm để ông có thêm tiền đi đường. Vừa qua, ông Công đã công bố danh sách liệt sĩ, cùng với số điện thoại của ông để tiếp nhận thêm thông tin về liệt sĩ.

“Sự hi sinh của các liệt sĩ đã đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Đi tìm danh tính các anh, chị, mặc dù rất vất vả nhưng tôi cảm thấy ấm lòng khi đã được góp một phần nhỏ vào công tác đền ơn đáp nghĩa của xã hội” - ông Nguyễn Phi Công chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn