MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây cầu 23 tuổi của hai lão nông hoàn thành sứ mệnh. Ảnh: Thanh Chung

Cầu BOT của nông dân miễn phí cho dân nghèo

Thanh Chung LDO | 18/04/2020 07:15

Hai lão nông ở Quảng Ngãi đã bán vàng, làm cầu theo hình thức BOT (Đầu tư - Khai thác - Chuyển giao) với hy vọng đổi đời. Nhưng ở một xã nghèo hẻo lánh, từ ngày đưa vào sử dụng, cây cầu này lại thu phí không được bao nhiêu. Bởi người đi lại nhiều chủ yếu là học sinh và dân nghèo. Vậy nên các “nhà đầu tư” không nỡ lấy tiền.

Tự miễn phí cho dân nghèo

“Nhà đầu tư” của cây cầu BOT là ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân. Một đời chứng kiến cảnh đò giang trắc trở, mất an toàn ở xứ sông nước khiến họ khát khao có một cây cầu nối đôi bờ sông Thoa, nối liền hai xã Phổ Vinh và Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng ước mơ đó mãi không thành.

Chưa xây được cầu cho dân, từ năm 1997, nhà nước có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hai người nông dân cùng làng này đã dốc 26 cây vàng phòng thân để làm nên chiếc cầu gỗ dài 470m bắc ngang qua sông. Nhưng hầu hết mọi người khi hay tin hai gia đình có ý định làm cầu đều cản ngăn. Bởi cây cầu này sẽ chỉ vận hành được vào mấy tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì phải tháo dỡ để đề phòng nước cuốn trôi. Chi phí phục vụ cho việc tháo dỡ và làm cầu theo từng năm không phải là số nhỏ. Ấy vậy mà, hai nông dân vẫn làm để hiện thực hóa cây cầu mơ ước của bà con.

“Chúng tôi là nông dân không có kinh nghiệm xây dựng cầu. Thế nên, chúng tôi gặp không ít khó khăn từ việc chọn vị trí, xây dựng đến tìm thợ giỏi để làm cây cầu dài gần nửa cây số” - bà Rân nói.

Khát vọng làm cầu BOT để “đổi đời”, nhưng danh sách được miễn 100% phí qua cầu của hai nông dân lại lên đến hàng trăm lượt phương tiện mỗi ngày. Những chủ phương tiện nằm trong danh sách miễn phí lưu thông là học sinh, sinh viên, người nghèo, cận nghèo, và cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn xã... Việc làm này được hai ông bà và các con luân phiên thực hiện hơn hai thập niên qua.

Bà Trần Thị Sáu (phường Phổ Quang) cho hay: “Phí qua cầu lượt đi và lượt về hiện tại là 3.000 đồng. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nên khi được qua cầu miễn phí, tôi mừng lắm. Nhờ đó, vợ chồng tôi tiết kiệm được 30.000-50.000 đồng mỗi tuần. Số tiền này, với nhiều người khác, có thể chẳng đáng gì, nhưng với gia đình tôi, bấy nhiêu cũng là cả một vấn đề” - bà Sáu rưng rưng cảm kích.

Hoàn thành sứ mệnh

Bỏ ra 26 cây vàng để làm nên cây cầu gỗ và không màng tới lợi ích, thậm chí hằng năm, họ phải chi thêm hàng chục triệu đồng để lắp ráp lại cầu sau mỗi mùa mưa lũ. Nhưng hai “nhà đầu tư”  nông dân này thu về chủ yếu là... sự tin yêu, cảm phục của người dân trong vùng.

Anh Nguyễn Văn Hòa (ở xã Phổ Quang) chia sẻ: “Khi trở thành sinh viên, được đi nhiều nơi, tôi mới nhận ra rằng, chưa có công trình BOT nào mà lại miễn phí cho nhiều người như chủ nhân của cây cầu gỗ ở quê tôi. Được qua cầu miễn phí suốt 3 năm học THPT, tôi luôn thầm cảm ơn những người làm ra cây cầu này. Nhờ có cây cầu, quãng đường đi học của chúng tôi ngày ấy được rút ngắn và chắp cánh đến trường”.

Ông Võ Văn Xinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang - cho hay, suốt 23 năm qua, chính quyền và nhân dân Phổ Quang luôn biết ơn sự tiên phong của ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân. Bởi nhờ có họ, người dân xã Phổ Quang được thuận tiện hơn rất nhiều trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Vào tháng 5 này, cây cầu bêtông bắc qua sông Thoa nối hai phường Phổ Quang - Phổ Vinh do Nhà nước đầu tư xây dựng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đồng nghĩa cây cầu gỗ sẽ ngừng hoạt động.

“Nhờ có cây cầu, người dân đi lại thuận tiện hơn, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp được nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Việc chèo đò qua sông cũng gặp nhiều rủi ro nhưng từ khi có cây cầu đến nay, chưa xảy ra vụ tai nạn nào. Những em học sinh được chắp bước đến trường, rất có ý nghĩa đối với người dân ở xã” - ông Xinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn