MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS. Phan Trung Nghĩa - người có nhiều nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm hạn chế tối đa sự lây lan của COVID-19. Ảnh: Tô Thế

Cha đẻ các thiết bị hỗ trợ bệnh nhân, đội ngũ tuyến đầu chống COVID-19

THẾ ANH LDO | 25/02/2021 07:00
“Dịch bệnh COVID-19 đã thôi thúc chúng tôi - những người làm nghiên cứu phải sáng chế nhiều thiết bị hỗ trợ bệnh nhân và đội ngũ tuyến đầu chống dịch hơn nữa”, PGS. Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ.

Nghiên cứu trong một "môi trường mới"

Tính đến nay, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp đã lây lan đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh khiến rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó có nghiên cứu khoa học.

Theo PGS. Phan Trung Nghĩa, COVID-19 khiến những người làm khoa học không thể tiếp cận dữ liệu thực nghiệm. Vì vậy, họ như bị trói chân trói tay. Tuy nhiên, khi phòng thí nghiệm đóng cửa, các nhà khoa học có thời gian để tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, xây dựng các giả thuyết. "Khi các phòng thí nghiệm hoạt động trở lại, họ sẽ ở trong tâm thế tốt hơn để đẩy nhanh việc nghiên cứu", PGS. Phan Trung Nghĩa nói.

Trong chính khoảng thời gian giãn cách xã hội, tạm xa những cuộc hội họp và tiệc tùng, PGS. Nghĩa đã bắt tay vào thiết kế những sản phẩm đặc biệt dành riêng cho đại dịch COVID-19. Sản phẩm đầu tiên của PGS và những thành viên nhóm nghiên cứu là buồng áp lực dương trên máy bay đưa bệnh nhân COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước. Tiếp sau đó là mũ thở khí tươi áp lực dương cho y bác sĩ, Buồng áp lực dương, Băng ca chuyên dụng để vận chuyển bệnh nhân áp lực âm, Xe lăn chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm,...

PGS. Nghĩa giải thích băng ca áp lực âm và xe lăn áp lực âm chuyên dùng để vận chuyển bệnh nhân hoặc các trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Trong khi đó, mũ thở khí tươi và buồng áp lực dương dành cho các y bác sĩ cách ly với môi trường nhiễm bệnh.

“Trên thế giới và ở Việt Nam, những sản phẩm có từ trước năm 2019 dùng vào mục đích cách ly bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm đều không thể đối phó với COVID-19. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã nâng cấp màng lọc lên loại màng lọc siêu vi giúp loại bỏ virus có kích thước cực nhỏ.

Ngoài ra, nhóm còn đưa thêm vào các tính năng như khử khuẩn bằng tia cực tím UV, đo nồng độ khí CO2 và O2 cùng thiết bị bơm trực tiếp khí tươi vào cho bệnh nhân. Khi nồng độ CO2 tăng bất thường, sẽ có âm thanh cảnh báo để y bác sĩ bên ngoài can thiệp kịp thời”, PGS. Phan Trung Nghĩa chia sẻ.

PGS. Phan Trung Nghĩa cùng sinh viên thử nghiệm xe lăn áp lực âm vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Tô Thế

Không ngừng cải tiến

Theo quan điểm của PGS, trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả chúng ta cùng có chung một mối quan tâm. Thực tế này bỗng đặt các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đội ngũ y bác sĩ vào trung tâm của sự chú ý. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu sẽ không dừng lại ở việc nghiên cứu ra 1,2 sản phẩm mà sẽ không ngừng nghiên cứu ra các sản phẩm mới và cải tiến những sản phẩm cũ.

“Tôi và các thầy cô vẫn đang đảm nhiệm công việc giảng dạy online, nghiên cứu ở trường. Tuy nhiên vì chúng tôi có nghiên cứu những sản phẩm về COVID-19 từ đầu nên chúng tôi bị cuốn theo những nghiên cứu đó. Thêm vào đó, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nên càng thôi thúc chúng tôi nghiên cứu thêm những sản phẩm mới thuận lợi hơn, gọn nhẹ hơn để có thể ứng dụng ngay lập tức”, PGS. Nghĩa bộc bạch.

Băng ca áp lực âm do PGS Nghĩa và nhóm nghiên cứu thực hiện.

Hiện tại, PGS. Nghĩa đang nghiên cứu về loại khẩu trang có thể diệt và khử khuẩn để giúp người dân hạn chế được tối đa việc lây nhiễm COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn