MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chăm lo “những người nghèo nhất trong những người nghèo”

Văn Sỹ LDO | 20/06/2022 19:20

Bạc Liêu - Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm nhưng “nỗi đau da cam” vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình, nhất là những hộ có từ 2 người trở lên bị nhiễm chất độc da cam. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài việc thực hiện tốt chế độ bảo trợ xã hội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu tích cực vận động các tổ chức, cá nhân sửa chữa, cất tặng nhà cho những gia đình bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống.

Những mái ấm nghĩa tình

"Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ" - câu nói đó quả không sai chút nào khi chúng tôi đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh của bà Huỳnh Thị Lan - ấp Hòa II, xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu.

Chồng bà Lan bị di chứng của chất độc da cam, đi đứng khó khăn nên không lao động được. Con gái lớn của bà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc Dioxin nên nay đã 16 tuổi nhưng vóc dáng không khác một đứa trẻ lên 5.

Gia đình nạn nhân da cam Huỳnh Thị Lan có 3 người nhiễm chất độc hóa học da cam (Ảnh: Văn Sỹ)

Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn này suốt 20 năm qua. Bà đi làm thuê theo thời vụ, ai mướn gì làm nấy, thu nhập bấp bênh nên chỉ đủ lo cái ăn của cả nhà chứ chưa sửa chữa được căn nhà xập xệ mấy năm nay.

Bàn giao mái ấm da cam cho gia đình bà Huỳnh Thị Lan(Ảnh: Văn Sỹ)
Mái ấm da cam của gia đình bà Huỳnh Thị Lan(Ảnh: Văn Sỹ)

Xét thấy hoàn cảnh cùng khổ của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc Liêu đã vận động hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để cất nhà mới.

“Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn Hội nạn nhân da cam, các mạnh thường quân đã giúp đỡ cho gia đình mình có được căn nhà ấm áp ”. Bà Lan không kiềm được nước mắt chia sẻ.

Bị phơi nhiễm chất độc da cam từ lúc mới sinh ra, chị Nguyễn Thị Lệ, ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi sống cùng bà ngoại từ nhỏ. Thế nhưng, bà ngoại già yếu, mất đi để chị lại một mình mấy năm nay sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm.

Đôi chân của chị bị liệt, di chuyển rất khó khăn nên, mọi sinh hoạt đều nhờ vào đôi tay. Tuy vậy, hàng ngày chị vẫn cố gắng chăm sóc đàn gà để có thu nhập lo cuộc sống. Căn nhà chị ở đã xuống cấp, có thể đổ ngã bất cứ lúc nào, nhưng cũng không có khả năng sửa chữa.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu đã quyết định hỗ trợ cất tặng cho chị mái ấm da cam.

Di chứng chất độc da cam làm đôi chân bà Nguyễn Thị Lệ bị liệt đi lại rất khó khăn (Ảnh: Văn Sỹ)

Nằm sâu trong con đường đất đen ở vùng sâu thuộc ấp B2, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi là căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông Đinh Văn Phớt, một nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Căn nhà của ông xuống cấp trầm trọng nên mỗi khi mùa mưa đến vợ chồng ông phải chịu cảnh mưa tạt gió lùa. 

“Bây giờ được các anh chị đến khảo sát sửa chữa lại, hay cất tặng căn nhà mới gia đình tôi vô cùng biết ơn”, ông Phớt bày tỏ.

Một góc nhà của ông Định Văn Phớt bị xuống cấp(Ảnh: Văn Sỹ)

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi xác định, công tác chăm lo nhà ở cho gia đình nạn nhân da cam có ý nghĩa quan trọng. Bởi, không chỉ giúp họ có được mái ấm, còn góp phần bảo vệ sức khỏe các nạn nhân.

Hàng năm, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc Liêu vận động xây tặng khoảng 25 mái ấm da cam(Ảnh: Văn Sỹ)

Sau đó, chúng ta hỗ trợ vốn để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Khoảng 4 năm qua, trung bình mỗi năm chúng tôi vận động cất tặng mới khoảng 25 mái ấm da cam và sửa chữa từ 10 đến 15 căn mỗi năm”.

Thêm một mái ấm đến với gia đình nạn nhân da cam nhờ sự đóng góp của nhà hảo tâm (Ảnh: Văn Sỹ)

“Chúng tôi rất cảm ơn đến các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, doanh nghiệp và rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân để lo cho các mảnh đời kém may mắn”, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu bày tỏ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn