MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
20 năm gắn bó với mảnh đất Quảng Lâm, cán bộ y tế Nguyễn Văn Hùng luôn tận tâm vì sức khoẻ mỗi người dân. Ảnh: Tân Văn

Chàng y tế thôn và hành trình khuyên người dân từ bỏ hủ tục

Tân Văn LDO | 14/07/2023 15:49

Cao Bằng - 20 năm làm y tế thôn bản nơi vùng sâu vùng xa của huyện Bảo Lâm, anh Nguyễn Văn Hùng đã có những kỷ niệm không thể nào quên.

20 năm làm y tế thôn bản

Tháng 7 mùa hè, giữa cái nắng đổ lửa nơi vùng biên, sau quãng đường hơn 200km từ thành phố Cao Bằng, chúng tôi (PV) tìm đến xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng).

Tiếp PV là anh Nguyễn Văn Hùng - một người đàn ông to cao, nước da ngăm đen và giọng nói trầm. Anh Hùng kể về hành trình 20 năm bám bản cùng người dân.

Anh Hùng sinh năm 1984 trong một gia đình thuần nông dân. Khi anh trưởng thành, Trạm Y tế xã nhận thấy chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hùng có năng lực nên cử đi học các lớp sơ cấp về kiến thức y tế.

Năm 2003, Nguyễn Văn Hùng chính thức trở thành y tế thôn bản tại xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng).

Y tế thôn bản Nguyễn Văn Hùng trong một lần đi vận động, thăm khám cho người dân. Ảnh: Tân Văn.

Anh Hùng kể, những ngày đầu nhận nhiệm vụ, gặp muôn vàn khó khăn. "Xã có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, nên trở ngại lớn nhất chính là bất đồng ngôn ngữ, mình không thể hiểu hết tiếng nói của mọi người. Vậy nên, mình làm vừa phải học tiếng mới có thể nói chuyện. Khi ngôn ngữ đã thông thì vận động hay tuyên truyền gì họ mới nghe".

Có lần, anh ôm cả thùng vaccine lên một điểm trường, chưa kịp phổ biến hay tuyên truyền gì, các em học sinh đã tá hoả bỏ chạy tứ tán. Cuống quá, Hùng không biết phải xử lý thế nào, may có anh Trưởng xóm đi cùng nói được tiếng của các em,  buổi tiêm chủng mới diễn ra.

Cả xã Quảng Lâm có tới hơn 6.000 nhân khẩu, các nhân viên y tế khá vất vả trong việc chăm sóc y tế bước đầu cho người dân. Theo lời anh Nguyễn Văn Hùng, trước kia, nhiều người vẫn giữ thói quen sinh con tại nhà, ít ra Trạm Y tế xã. Mỗi lần như vậy, anh cùng các cán bộ của Trạm phải đến tận nơi hỗ trợ sản phụ sinh con.

"Thú thực lúc đầu mình có chút ngại ngùng, xấu hổ nhưng dần dần cũng quen không còn ngại nữa, cứ làm rồi được bà con tin tưởng" - giọng anh hào hứng.

Vận động dân dời quan tài ra khỏi gầm nhà sàn

Theo anh Hùng, Quảng Lâm có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Những năm trước, người dân vẫn còn lưu giữ không ít hủ tục. Để vận động họ bỏ đi một lề thói quen thuộc là rất khó, cả một quá trình lâu dài.

"Có dịp mình gặp gia đình họ để quan tài cả tháng ở gầm nhà sàn. Họ nói rằng chưa được ngày giờ như thầy xem nên chưa thể chôn cất" - anh Nguyễn Văn Hùng nói.

Mắt thấy như thế nhưng không thể phản bác ngay hay nói năng quyết liệt, anh phải từng bước vận động, tuyên truyền rõ tốt xấu, cái lợi cái hại khi lưu giữ thi thể người đã khuất trong nhà quá lâu.

Thời gian đó, đi đâu gặp nhóm người nào từ 3 người trở lên, anh liền tuyên truyền, vận động ngay. Dần dà, người dân đã từ bỏ hủ tục.

Nói với PV, anh Hùng khoe: "Bây giờ trong xã không may nhà ai có người mất, họ sẽ báo mình ngay kể cả đêm muộn. Mình đến nơi hỗ trợ trong các khâu vệ sinh, khâm liệm rồi nhắc nhở nên sớm chôn cất người đã khuất, không nên để thi thể trong nhà quá 24 giờ. Có nhà bây giờ họ chôn cất trước rồi làm các thủ tục ma chay sau".

Tư vấn sức khoẻ cho một bệnh nhân vừa điều trị khỏi COVID-19. Ảnh: Tân Văn.

Khi được hỏi có đam mê và yêu công việc này không? anh Hùng nhoẻn miệng cười: "Mình làm từ ngày số tiền phụ cấp chỉ 40 nghìn đồng/tháng, đến nay là hơn 400 nghìn. Số tiền chẳng là bao nhưng làm thấy thích, bà con tin tưởng thì mình cống hiến. Không yêu thì mình đã nghỉ lâu rồi".

Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho hay, anh Nguyễn Văn Hùng còn kiêm cả chức danh Trưởng xóm Tổng Ngoảng, điều này giúp việc tuyên truyền, vận động và chăm sóc y tế ban đầu hiệu quả hơn.

Tuy nhiên cũng còn đó những khó khăn. Địa bàn rộng, trình độ của cán bộ cũng còn hạn chế khi chưa được đào tạo sâu cũng ít nhiều trở thành bất lợi cho các cán bộ y tế nơi đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn