MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Chị Thoa lục bình” nặng lòng với vùng quê nghèo khó

NGUYÊN ANH - TRẦN ANH LDO | 19/09/2020 07:30

Đến ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận hỏi “chị Thoa lục bình”, bà con nơi đây ai cũng biết. Không chỉ đem lại công ăn việc làm cho bà con mà chị còn là người sống đầy nghĩa tình, nặng lòng với vùng quê của mình.

Chị Thoa cho biết, trước đây tận dụng tre trúc tại địa phương để chị em đan lát, kỹ thuật đan không khó nhưng đòi hỏi cần phải tỉ mỉ, khéo léo nên ít chị em làm được. Có dịp được đi Hậu Giang, thấy được nghề đan lục bình nên chị nảy ra ý định sẽ bén duyên với nghề này.

Nhân công làm việc tại cơ sở đan lục bình của chị Thoa luôn rộn ràng tiếng cười, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ảnh: PV

Ban đầu, chị tìm hiểu học hỏi và nhận về gia công, được hơn 1 năm chị chuyển sang đan lục bình. Kỹ thuật đan lục bình cũng đơn giản lại tiện lợi không phụ thuộc giờ giấc nên chị em có thể tranh thủ đan bất cứ lúc nào. Nếu đan thành thạo, một người có thể làm từ 2-3 sản phẩm vào thời gian rảnh trong ngày, mỗi sản phẩm được khoảng 20-30 ngàn đồng tùy theo mẫu.

Thời gian đầu, cơ sở đan lục bình có chưa đến hai mươi người làm gia công. Những khó khăn ban đầu trong việc đào tạo nghề, vận chuyển nguyên liệu, nhất là lòng tin của bà con chưa cao, nên đôi lúc chị đã muốn từ bỏ. Thế nhưng nhìn thấy nhiều chị em ở quê đời sống quá khó khăn, có thời gian rảnh nhưng không có việc làm nên chị lại tiếp tục kiên trì. Sau gần 2 năm, cơ sở được nhân rộng ra thêm, hiện tại có khoảng 100 người thợ.

Huyện Vĩnh Thuận có các nghề đặc thù là nuôi tôm và trồng lúa, nên ngoài khoảng thời gian làm việc nhà thì chị em phụ nữ đan lục bình. Chị Thoa cho biết: “Mình ký hợp đồng với công ty ở Long Mỹ, Hậu Giang, họ gửi mẫu, các chị em đan theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty. Là Chi hội trưởng phụ nữ ấp mình cảm thấy vui thật sự vì đã giúp nhiều chị em kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình”.

Bà Võ Thị Tới, 55 tuổi, ở ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong nói: “Tôi thấy mấy cháu đan thì đi theo học. Cháu Thoa chỉ rất tận tình, rồi tạo điều kiện cho mình làm thoải mái thời gian. Ngày tôi cũng làm được 2 cái, kiếm thêm cá mắm, tiêu xài trong nhà”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoài, 33 tuổi, nhân công đan lục bình cho biết: “Nhờ cơ sở đan của chị Thoa mà chị em xóm này đỡ nhiều lắm. Như tôi kiếm thêm đóng được tiền điện, tiền nước, tiền cho con đi học. Có nghề đan không phải đi Bình Dương, Sài Gòn làm công nhân xa nhà”.

Nhận được nhiều giấy khen nhưng niềm vui lớn nhất của chị Thoa (bên trái) chính là giúp được nhiều chị em phụ nữ ở địa phương mình. Ảnh: PV

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, việc làm của chị Thoa bước đầu đã góp phần làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân nơi đây. Trước đây chỉ có ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông thì nay nghề này đã được lan tỏa sang các xã khác để các chị em cùng tham gia.

Mỗi tháng, cơ sở của chị Thoa xuất bán khoảng 3.000 sản phẩm, vừa đem lại thu nhập cho nhân công lại góp phần giúp cho địa phương giải quyết việc làm. Hơn thế nữa, chị Thoa còn động viên chị em cùng nhau góp vốn xoay vòng để giúp đỡ cho các chị em nào khó khăn đồng thời cũng tích lũy lại nguồn vốn cho những chị em chưa cần đến. Bản thân chị Thoa cũng có những đóng góp riêng cho địa phương như giúp đỡ cho các cụ già neo đơn, những người bệnh tật mà hoàn cảnh nghèo khó.

Với những việc làm ý nghĩa và có ích cho địa phương chị Thoa đã nhận được nhiều giấy khen của xã, huyện. Tuy nhiên niềm vui nhất của chị là mỗi ngày cơ sở đan lục bình luôn hoạt động sôi nổi, mọi người gắn bó đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống làm cho vùng quê thêm đẹp và ấm tình người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn