MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những suất cơm thiện nguyện dành cho người khó khăn. Ảnh: Phương Ngân

Cho đi là còn mãi

Phương Ngân LDO | 25/01/2024 15:00

Trời còn chưa kịp sáng, hơn 10 người của “Hội quán cộng đồng Bình Thái”, TP Thủ Đức, TPHCM, đã tất bật, luôn tay chuẩn bị cho việc nấu nướng.

Những chiếc chảo, nồi to, khối lượng thức ăn cao nghều, thoạt nhìn như một nhà hàng đang chuẩn bị cho một bữa tiệc lớn, nhưng không, đây là những phần ăn thiện nguyện.

“Nay chúng tôi nấu hơn 550 phần ăn” - anh Nguyễn Anh Tuấn, người được xem là trưởng nhóm, nói vội.

Để chuẩn bị cho những phần ăn thiện nguyện, cả nhóm anh Tuấn phải thức từ 2h sáng để sơ chế và 5h sáng phải bắt tay vào nấu để kịp 8h là những chuyến xe giao cơm đầu tiên lăn bánh.

Người “khai sinh” ra nhóm cộng đồng này là vợ chồng anh Tuấn (giảng viên đại học) và chị Tôn Nữ Tuyết Anh (kế toán).

Năm 2018, trong thời gian chăm con nhỏ, chị Tuyết Anh bỗng nhiên muốn làm gì đó để giúp đỡ những người khó khăn xung quanh mình, nghĩ là làm, chị bắt tay vào nấu cháo cho những người khó khăn cơ nhỡ ở khu vực bệnh viện Thủ Đức. Thấy vợ làm, anh Tuấn cũng tham gia.

“Khi mới bắt đầu làm cũng lăn tăn lắm, nhưng khi thấy những người xung quanh mình vơi bớt chút lo toan tự nhiên cảm thấy vui và hạnh phúc”- anh Tuấn chia sẻ.

Khi sức lan tỏa của “cộng đồng Bình Thái” ngày càng lớn, Hội phụ nữ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, cũng như các phương tiện chuyên chở tự nguyện cũng tìm đến tham gia, hỗ trợ.

“Chúng tôi thấy việc làm ý nghĩa nên tự nguyện tham gia, góp một tay để tấm lòng được lan tỏa ngày lớn hơn”, chị Yến - một thành viên của Hội Phụ nữ phường Trường Thọ, chia sẻ.

Bữa ăn cộng đồng của vợ chồng anh Tuấn được tổ chức vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Nếu lực lượng tại chỗ phụ trách nấu nướng, thì nhiều người giao hàng tham gia để lan tỏa. Anh Hiếu - nhân viên giao sữa, nhiều lần thấy hoạt động của nhóm, cũng đề xuất đi giao vài suất cơm cho người già neo đơn ở quận Gò Vấp.

Trong lúc cả nhóm đang chuyển hàng lên xe mang qua Bệnh viện Ung bướu, nhiều người lớn tuổi cũng đến nhận cơm mang về.

“Tôi nhận cơm giùm những người cùng xóm không ra lấy được” - bà Nguyễn Thị Cúc (76 tuổi, TP Thủ Đức), nói.

Gần 600 suất cơm chuẩn bị thì lâu, nhưng chia sẻ thì chưa đầy 30 phút đã được các thiện nguyện viên chuyển đến nơi cần đến.

Những câu chuyện về sự quan tâm, nỗ lực của những hội đoàn, của từng địa phương đã tô lên những nét hồng trong gam màu khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn