MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật hàng chục năm

THANH NGA - MINH THÀNH LDO | 30/11/2020 07:00
“Dù có là một ngày, một tháng hay một năm các em mới thuộc một chữ cái thì đấy cũng là sự tiến bộ, tôi vẫn sẽ kiên trì nhẫn nại dạy chữ cho học sinh của mình” – cô giáo Nguyễn Thị Côi (77 tuổi ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động khi được hỏi về lớp học dạy trẻ khuyết tật do chính cô đứng lớp.

Xuất phát từ tình thương với các em nhỏ thiếu may mắn

Hai mươi sáu năm trước, khi còn làm Hiệu trưởng của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, cô giáo Côi là một trong những người đứng đầu nhận trách nhiệm duy trì lớp học cho trẻ em cơ nhỡ, trẻ em nghèo, thiểu năng trí tuệ.

Khi ấy, sau mỗi giờ đến trường, cô thường tìm đến các hoàn cảnh khó khăn, vận động gia đình cho em được tới lớp. Lần đầu tiên tiếp cận với nhóm trẻ này, những buổi học không còn đơn thuần là truyền thụ kiến thức. Hơn cả một người giáo viên, cô giáo Côi còn là một người bạn tâm tình, một người mẹ của những cô cậu học sinh đặc biệt. Để truyền đạt kiến thức được hiệu quả, nhất thiết phải hiểu tâm tính của người học. Tại buổi học, cô Côi phải đến từng bàn, trò chuyện để giúp các em mở lòng với môi trường mới.

Nhớ về những ngày đầu đứng lớp, cô chia sẻ: “Có lúc tôi đang giảng bài, học trò bệnh lại bộc phát, có em vồ lấy tay tôi mà cắn, rồi cũng có khi một học sinh ngất xỉu do động kinh, cần phải can thiệp ngay lập tức. Bây giờ nhớ lại, những năm tháng đó thật vất vả”.

Khó khăn là thế nhưng với sự kiên trì nhẫn nãi, sự đồng cảm với những đứa trẻ thiếu may mắn, cô giáo Côi đã dồn hết tâm sức để dạy chữ cho các em.

Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Côi.

Gần 30 năm gắn bó với lớp học mang tên “Linh hoạt”

Trong không gian vỏn vẹn chừng 15 mét vuông, lớp học tại nhà văn hóa khu dân cư 11 thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai của cô giáo Côi vẫn duy trì đều đặn gần 30 năm nay. Lớp học chỉ có trên dưới hai mươi học sinh, người nhỏ nhất chỉ mới tám tuổi, cao nhất cũng đã ngoài ba mươi. Mỗi người có một trình độ tiếp thu và khả năng ghi nhớ khác nhau nên cô không soạn giáo án chung cho cả lớp. Cũng từ đó, cái tên “Linh hoạt” của lớp ra đời. Tại lớp học “Linh hoạt”, với những học sinh khác nhau cô lại có phương pháp truyền đạt kiến thức riêng. Dù các em có tiếp thu nhanh hay chậm thì mỗi sự cố gắng tiến bộ trong họp tập đều được cô giáo Côi nêu gương, khích lệ để tạo động lực tiếp tục phấn đấu.

“Khó khăn thì không thể tránh khỏi nhưng tôi quyết tâm dạy để làm sao mà các em biết đọc biết viết là quý lắm rồi, khi các em biết đọc biết viết thì sẽ giúp mở mang đầu óc, cho các em nhận thức được rằng mình cũng có thể học và làm việc như các bạn khác. Dù có là một ngày, một tháng hay một năm các em mới thuộc một chữ cái thì đấy cũng là sự tiến bộ, tôi vẫn sẽ kiên trì nhẫn nại dạy chữ cho học sinh của mình”, cô Côi nói.

Cô Côi tỉ mỉ sửa từng lỗi chính tả cho học sinh.

Từ lớp học tình thương này, không ít những bạn được cô giáo liên hệ gửi đến trung tâm giáo dục thường xuyên để được tiếp tục đi học, có em đã đi làm và tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Trong số các thế hệ học trò đi qua, cô Côi tự hào nhất với hai em đã vào được Đại học.

Với cô giáo Côi, bất kỳ đứa trẻ nào khi sinh ra cũng có quyền bình đẳng về cơ hội được học tập, nhất là những mảnh đời thiếu may mắn. Những thành quả cô vun đắp cho các học trò gần ba mươi năm qua dù cho có lẽ không nhiều nhưng chắc chắn là những phần thưởng xứng đáng nhất cho sự nỗ lực của cô và các em. “Không ai bị bỏ lại phía sau” cũng là điều mà cô Côi muốn hướng tới trong suốt hành trình dạy trẻ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn