MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo mầm non ở Đắk Nông biến phế liệu thành đồ chơi cho trẻ

Phan Tuấn LDO | 08/01/2023 13:08

Nhờ sự sáng tạo, kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, các cô giáo mầm non ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã biến các phế liệu như: Thùng xốp, bìa cát tông, vỏ chai, lốp xe... thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh, đáng yêu cho trẻ. 

Các giáo viên mầm non ở huyện Đắk Mil tự tay chế tác những phế liệu thành đồ chơi cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Lê

Giáo viên chế tác đồ chơi cho trẻ em

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, ngành giáo dục huyện Đắk Mil đã phát động phong trào sử dụng phế liệu chế tạo thành đồ chơi mới lạ, hấp dẫn cho trẻ em.

Trong mỗi món đồ chơi tự tay làm của các cô giáo còn có cả tình yêu thương trẻ, tâm huyết của người làm giáo dục gửi gắm vào trong đó.

Qua thực tế cho thấy, có rất nhiều bộ đồ chơi đẹp, cuốn hút được làm từ tấm bìa cát tông, thùng xốp, vải cũ, vỏ chai nhựa, lốp xe… Điều đáng nói, những món đồ chơi do các cô giáo tự tạo không chỉ có chất lượng, bền đẹp, thân thiện với môi trường mà còn bảo đảm cho trẻ vui chơi, học tập.

Điển hình như Trường mẫu giáo Măng non, ở xã Đắk N'Drot có 365 học sinh; trong đó có 227 em học sinh dân tộc thiểu số.

Đứng chân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn thiếu thốn nên các cô giáo mầm non ở đây luôn trăn trở bởi học sinh nơi đây thiệt thòi hơn các địa phương khác.

Năm học 2022 - 2023, các giáo viên mầm non huyện Đắk Mil đã chế tác được 125 bộ đồ chơi hấp dẫn, đáng yêu cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Lê

Thế nhưng, với đồng lương ít ỏi những người giáo viên nơi đây không giúp được cho các học trò của mình nhiều. "Cái khó ló cái khôn" các cô giáo ở đây đã chủ động đi xin những đồ dùng phế liệu, bỏ đi như: Vải cũ, lốp xe, chai nhựa, ống nước ngọt... về tự chế thành đồ chơi cho các em học sinh vui chơi, giải trí.

Trong năm học 2022 - 2023 này, các cô giáo trong nhà trường đã chế tác được tất cả 13 bộ đồ dùng đáng yêu cho các em học sinh. Trong đó, có 8 bộ được lựa chọn tham gia hội thi “Làm đồ dùng, đồ chơi và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn thân thiện cho trẻ mầm non” cấp huyện. 

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Thy, giáo viên Trường mầm non Măng Non cho hay, sau khi có các vật dụng như vải cũ, ống nước... các giáo viên đã tranh thủ khoảng thời gian các em học sinh ngủ trưa hoặc vào những ngày cuối tuần để tư duy, sáng chế ra các đồ chơi cho các em học sinh.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, các cô giáo mầm non đã biến phế liệu thành đồ chơi cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Lê

Đối với những phụ kiện còn thiếu như: Sơn, chỉ, keo dán...,  các giáo viên tự bỏ tiền túi mua về trang trí, hoàn thiện, làm đẹp cho các món đồ chơi.

"Với tình cảm yêu trẻ, mến nghề, người làm giáo viên mầm non lúc nào cũng muốn tạo ra không gian thoải mái cho trẻ em mầm non vui chơi phát triển trí tuệ" - cô Thy chia sẻ. 

Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em

Theo ông Trần Văn Vượng, Phó phụ trách Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Mil, xuất phát từ khó khăn, phong trào phát động giáo viên chế tạo đồ chơi cho học sinh đã góp phần bổ sung thêm đồ dùng, đồ chơi tự làm có chất lượng vào công tác giảng dạy.

Việc này không chỉ đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục mà còn giúp cho giáo viên phát huy hết khả năng, sáng tạo trong công việc. Từ đó, mỗi giáo viên mầm non sẽ có thêm điều kiện để trau dồi chuyên môn, phục vụ tốt hơn các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Những bộ đồ chơi do các cô giáo mầm non chế tạo đã tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn cho ngành giáo dục và mang lại ý nghĩa lớn cho sự phát triển, giáo dục trẻ em. Ảnh: Ngọc Lê

"Từ bàn tay mộc mạc của giáo viên mầm non mà những vật dụng phế liệu, bỏ đi trở nên lung linh. Có những sản phẩm khi hoàn thành xong nó đẹp vượt quá sức tưởng tượng của những người được tận mặt chứng kiến" - ông Vượng phấn khởi.

Theo thống kê, trong năm học 2022 - 2023, toàn huyện Đắk Mil đã làm được 125 bộ đồ chơi hấp dẫn, đáng yêu và có ý nghĩa trong việc giảng dạy, mang lại giá trị cả trăm triệu đồng.

Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi chế tạo đồ chơi cấp trường, cấp cụm, cấp huyện để đội ngũ cán bộ quản lý và  giáo viên được giao lưu, học hỏi.

Mục tiêu của ngành giáo dục huyện Đắk Mil là không ngừng đổi mới, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ trẻ em với phương châm “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" - ông Vượng cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn