MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng (mặc áo khoác, đứng giữa) cùng các nhà hảo tâm tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Bin

Cựu chiến binh cưu mang hàng trăm đứa trẻ bất hạnh

Hoàng Bin LDO | 07/07/2023 07:56

Hơn 15 năm qua, cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) thầm lặng nuôi dưỡng hơn 200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bất hạnh tại địa phương. Những đứa trẻ ấy lớn lên, trưởng thành, luôn ghi nhớ công ơn người cha đỡ đầu.

Mái nhà chung của trẻ em bất hạnh

Em Dương Thái Lâm (19 tuổi) là một trong rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cha mẹ, từng được “bố Hùng” nuôi dạy từ khi còn nhỏ. Nhờ sự cưu mang ấy, Lâm đã nỗ lực thực hiện được ước mơ, trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng FPT Đà Nẵng.

“Em cảm thấy rất vui và may mắn khi được vào mái nhà chung. Tại đây, em được ăn uống, học hành đầy đủ, được mọi người, đặc biệt là “bố Hùng” yêu thương, chăm lo từng li, từng tí. Ước mơ của em sau này trưởng thành có công việc, thu nhập thì chia sẻ với Trung tâm” - Lâm xúc động nói.

Mái nhà chung Lâm nhắc đến chính là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Phú Ninh, ông Huỳnh Tấn Hùng xây dựng năm 2005, từ khoản tiền tiết kiệm của gia đình và nguồn hỗ trợ của một nhà hảo tâm.

Sau hơn 15 năm hoạt động, đến nay Trung tâm có 10 phòng ăn ở, học tập. Có khoảng 400 trẻ đến nhờ Trung tâm giúp đỡ, trong đó 200 em đến ở một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại đến khi trưởng thành.

Ông Hùng là quân nhân xuất ngũ, khi về quê tham gia kêu gọi thiện nguyện, giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Những lần ấy, ông bắt gặp nhiều trẻ có hoàn cảnh bố mẹ li hôn, bạo hành gia đình, cha, mẹ mất sớm hoặc bị bỏ rơi... Từ đó, ông xin Nhà nước xây dựng nên Trung tâm này để cưu mang, giúp đỡ cho các em một cách thiết thực, lâu dài.

Tại Trung tâm, em nào học tốt được chu cấp tài chính vào đại học, ai học kém đi học nghề, sau đó ông Hùng liên hệ các doanh nghiệp xin việc làm. Đến nay có 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường đi làm, nhiều em khác đi làm công nhân.

Cha nuôi của hàng trăm đứa trẻ

Ở tuổi ngoài 60, ngày ngày ông Hùng thức dậy sớm cùng 3 bảo mẫu chuẩn bị vệ sinh cá nhân cho các cháu nhỏ, cho trẻ ăn bữa sáng, rồi lại hối hả đưa các bé lớn đến trường, chiều lại đón về tắm rửa, cho ăn uống.

Công việc thiện nguyện của ông Hùng được gia đình, vợ con ủng hộ; vợ luôn động viên, tiếp thêm động lực để ông yên tâm chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh.

Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ kinh phí hoạt động chăm sóc trẻ. Việc quản lí tài chính có sổ sách, tài khoản công khai do kế toán phụ trách.

Những đứa trẻ đưa đến Trung tâm phải có lí lịch rõ ràng, được người thân đồng thuận. Những trẻ có tiền trợ cấp xã hội, Trung tâm không nhận - để lại cho các gia đình để chia sẻ bớt gánh nặng.

Trẻ vào Trung tâm được lo toàn bộ từ ăn ở đến chi phí học hành, mỗi tháng dù chi tiêu tiết kiệm cũng tốn ít nhất 25 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn, dù vậy, nếu có người liên hệ để gửi con ông cũng không từ chối, bởi mục đích thành lập Trung tâm là để cưu mang các em.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, ông Hùng còn vận động xây dựng hàng chục ngôi nhà tình thương cho nhiều gia đình neo đơn.

Có trường hợp cha mẹ gửi con ở trung tâm, nhưng thấy hoàn cảnh họ quá khốn khó, ông hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm, xây dựng nhà cửa. Đến khi có đủ điều kiện thì đón con về ở cùng gia đình. Ông quan niệm, những đứa trẻ dù được chăm sóc ở đây có tốt đến mấy - cũng không bằng được sống trong vòng tay gia đình.

Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh - đánh giá: “Trung tâm hoạt động rất thiết thực, kịp thời giúp đỡ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần làm tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn