MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cựu nhà báo nặng lòng với “giải cứu” mộ xưa

Lục Tùng LDO | 08/06/2020 07:30

Sau ngày nghỉ hưu, cựu nhà báo Nguyễn Đắc Hiền, (được giới trẻ hôm nay gọi là bác Mười Long) đã không quản thân thể mang nhiều thương tật chiến tranh để dấn thân góp công, góp sức tạo ra sức sống mới cho nhiều ngôi mộ xưa.

Bén duyên với báo chí Cách mạng từ năm 1957 trong vùng kháng chiến ở Đồng Tháp, đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Mười Long được tổ chức phân công, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau.

Cựu nhà báo Nguyễn Đắc Hiền. Ảnh: LT

Những năm đầu thế kỷ, sau khi nghỉ hưu, ông trở lại nghiệp viết trong vai trò Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp, Tổng biên tập Tạp chí “Đồng Tháp Xưa và Nay”. Môi trường làm việc mới đã dẫn dắt ông dấn thân với nghiệp mộ xưa như duyên nợ “chặt không đứt, bứt không rời”.

Dù mang trong người nhiều thương tật, nhất là một phần chân đã gửi lại chiến trường, việc đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn thường xuyên góp mặt đều đặn trên các số báo những bài viết sinh động về những trận đánh oanh liệt của dân và Bộ đội Cụ Hồ trong chiến khu Đồng Tháp Mười với những địa danh đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Gò Quản Cung - Giồng Thị Đam, Xẻo Quýt....

Ông cũng thường xuyên tham gia viết sử các địa phương mà theo ông là góp phần làm sáng tỏ thêm những  chiến công của cuộc chiến tranh nhân dân. Đặc biệt, ngòi bút của ông còn cho ra đời nhiều sách chuyên luận, khắc họa chân thực, chính xác về danh nhân, di tích, lịch sử như: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, “Bẻ gãy một ý đồ”,...

Cựu nhà báo Nguyễn Đắc Hiền trong lần tham quan thực tế mộ ông Phan Văn Cử đang tọa lạc giữa chợ Cao Lãnh. Ảnh: LT

Tuy nhiên, có một điều mà khó cây bút nào có thể làm được điều ông đã làm. Đó là việc dành nhiều tâm, sức cho việc giải cứu nhiều ngôi mộ xưa của các bậc tiền nhân có công với đất nước có được cơ ngơi mới, khang trang, xứng đáng với tầm vóc lịch sử.

Điển hình như mộ tiền hiền Nguyễn Tú – người có công khai khẩn vùng đất TP. Cao Lãnh ngày nay - từ chỗ hoang lạnh dưới chân cầu Đình Trung về cơ ngơi trang nghiêm trong không gian thoáng đãng ở phường Mỹ Phú (TP. Cao Lãnh). Hay mộ  cụ Phan Văn Cử (1881 - 1917) nhà ái quốc, người có công lớn trong phong trào Đông Du từ chỗ “mắc kẹt” giữa chợ Cao Lãnh về an vị trong khuôn viên di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP. Cao Lãnh).

Mộ cụ Phan Văn Cử sau khi được di dời đến khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: LT

Hay mộ ông Phòng Biểu (1830 - 1914) cận tướng của Thiên Hộ Dương (chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tây vùng Đồng Tháp Mười) bị thời gian tàn phá ở Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) vào an vị trong khu vực Đình Bình Hàng Trung xứng đáng với công lao đã cống hiến cho quê hương, đất nước...

Theo ước tính, gần 20 năm qua, cựu nhà báo Nguyễn Đắc Hiền đã góp phần “giải cứu” cả chục ngôi mộ cổ như thế.  Giờ đây ở tuổi 82, nhưng ông vẫn đau đáu tìm cách xây dựng đàng hoàng hơn Đền và mộ Thống lãnh Nguyễn Văn Linh, tức Thống Linh (1815 - 1865) dũng tướng của Thiên Hộ Dương  đang xuống cấp ở xã Tân Mỹ (TP. Cao Lãnh).

Nội dung bia tương tuyền do cụ Nguyễn Sinh Sắc đọc cho nhà báo Diệp Văn Kỳ viết ghi nhận công lao của cụ Cử. Ảnh: LT

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ: “Không chỉ quan tâm, góp phần trùng tu, tôn tạo nhiều ngôi mộ tiền nhân, bác Mười còn để lại trong chúng tôi bài học rất lớn. Từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng và hiểu biết sâu rộng, nhưng mỗi khi tiếp cận, bác Mười rất nhẹ nhàng trên nền tảng thuyết phục, xây dựng, hợp tác... để cùng tìm ra tiếng nói chung”.

Theo ông Bửu, thái độ, cách làm đó không chỉ khơi gợi cho lãnh đạo trẻ hôm nay điều chỉnh cách nghĩ hay, cách làm đúng trong việc ứng xử với quá khứ mà còn truyền lửa, gợi mở cách làm mới trong điều hành chính quyền kiến tạo và hệ thống chính trị vì dân phục vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn