MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều đặc biệt từ những chiếc túi xách được làm từ hàng trăm vỏ mì tôm

HOÀI ANH - TÔ THẾ LDO | 29/10/2020 07:00

Các thành viên câu lạc bộ "Mì tôm xanh" đã cùng nhau làm ra những chiếc túi xách từ vỏ mì tôm để truyền đi thông điệp bảo vệ môi truờng và tạo ra nguồn kinh phí giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.

Hành trình hô biến vỏ mì tôm thành túi xách

Đều đặn chiều Thứ 5 hàng tuần, Nguyễn Phương Linh (học sinh lớp 10A9, Trường Vinschool The Harmony) lại xin phép bố mẹ ở lại trường sau giờ học để tham gia câu lạc bộ "Mì tôm xanh". Có mặt tại phòng thể chất của trường, Phương Linh nhanh chóng cùng các bạn bắt tay vào làm việc.

Vì là con gái và khéo tay nên Phương Linh được giao nhiệm vụ cuộn vỏ mì tôm thành sợi đan. Những ngày mới bắt đầu làm, những sợi đan của Phương Linh cái to, cái nhỏ, cái thì bị bung ra lúc đang đan. Dần dần, mọi thứ dần trở nên hoàn thiện hơn. Có những lúc, Phương Linh dường như không cần nhìn vẫn có thể cuộn được vỏ mì tôm đều tăm tắp.

Nói về lý do tham gia câu lạc bộ, Phương Linh mong muốn có thể truyền đi thông điệp sống xanh tới tất cả mọi người. "Em vẫn thường thấy rất nhiều slogan trên TV hay mặt báo về việc bảo vệ môi trường sống quanh ta bằng cách tái chế, thế nhưng lại chứ bao giờ được thật sự làm điều gì đó.

Vậy nên khi biết đến câu lạc bộ này, em đã đăng kí tham gia và cảm thấy rất vui vì những gì mình đã và đang đóng góp - dù chỉ là nhỏ bé", Phương Linh hào hứng chia sẻ.

Các thành viên của câu lạc bộ cùng nhau tái chế vỏ mì tôm.

Ngoài Phương Linh còn có gần 20 bạn học sinh khác đảm nhận các công việc khác nhau để cho ra một chiếc túi bằng vỏ mì tôm hoàn chỉnh, như: Thu gom vỏ mì từ cộng đồng, xử lý và làm sạch, tạo sợi đan bằng vỏ mì, thiết kế và đan thành sản phẩm.

Có lẽ trong tất cả các công đoạn trên thì "thu gom vỏ mì tôm" là công đoạn khó khăn nhất vì một chiếc túi cần từ 300 - 400 vỏ mì tôm, nhưng câu lạc bộ chỉ mới có 20 thành viên. Bởi vậy, câu lạc bộ đã kêu gọi và thành lập mạng lưới cộng tác viên trên khắp cả nước, hiện tại có khoảng 130 người ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Tất cả các vỏ mì thu gom được đều phải là những chiếc được cắt ngang miệng, không xé dọc.

Chiếc túi màu sắc mang ý nghĩa lớn lao

Người thành lập ra câu lạc bộ Mỳ tôm xanh là chị Vũ Thị Thảo - Giáo viên Trường THPT Vinschool Times City. Chị Thảo cho biết, bản thân chị luôn mày mò làm đồ tái chế, đầu tháng 1.2020, chị tận dụng những vỏ mì tôm của gia đình để thử đan thành những miếng lót cốc.

Sang đến tháng 2, hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do trường khởi động trong thời gian giãn cách, chị đã nghiên cứu các vật liệu từ chai nhựa, nilon cũ nhưng ưng ý nhất với vỏ mì tôm. Sau đó, chị quyết định thành lập câu lạc bộ và kêu gọi học sinh cùng tham gia.

Chị Thảo cùng học trò làm ra những chiếc túi xách bằng vỏ mì tôm.

Chị Thảo chia sẻ: “Với phương châm thay vì kết thúc số phận trong thùng rác, hoặc rơi vãi ngoài môi trường, hàng trăm năm không phân huỷ được, giờ đây những chiếc vỏ mì vô tri vô giác sẽ được "sống" một cuộc sống mới hữu ích.

Nhiều bạn từ các tỉnh, đã gọi điện trực tiếp để có thể xin gửi đến vỏ gói mì tôm. Mình cũng hướng dẫn các tình nguyện viên các bước xử lý đầu tiên để có thể gửi một cách thuận tiện nhất”.

Túi xách làm bằng vỏ mì tôm sẽ được bán với giá từ 100 - 300 nghìn đồng. Số tiền thu về sẽ được chia đều thành hai quỹ, một để ủng hộ chống COVID-19, số còn lại sẽ quyên góp cho những hoàn cảnh không may mắn thông qua chương trình Cặp lá yêu thương. Hơn nửa năm hoạt động, câu lạc bộ Mì tôm xanh đã bán khoảng 30 sản phẩm, tổng số tiền quyên góp và ủng hộ khoảng từ 7 - 9 triệu đồng.

Mới đây, sáng kiến trên của câu lạc bộ đã xuất sắc giành giải Ba trong vòng Chung kết cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” (To blue the blue) do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức cho các thí sinh từ 16 – 25 tuổi trên cả nước.

Ban giám khảo đánh giá, dự án thực hiện được mục tiêu kép khi vừa bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra giá trị vật chất để giúp đỡ người khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn