MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp "lão Địch gàn dở" giàu lòng nhân ái với người nghèo

Mai Sự - Đinh Vui - Thu Hương LDO | 13/03/2021 07:00

Ông Địch từng được cả phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) gọi là “lão già gàn dở” vì chuyên nhặt nhạnh những chiếc mũ bảo hiểm cũ, mang về “chất đống” trong nhà.

“Lão già gàn dở” với mong muốn làm việc thiện

Từ nhiều năm trước, người dân sinh sống trên đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Trãi, (Hà Đông, Hà Nội) đã quen với cảnh những chiếc mũ bảo hiểm cũ được treo kín trên một thân cây cổ thụ ven đường. Ông Nguyễn Hữu Địch (79 tuổi) chính là người tạo nên công trình độc đáo gây tò mò một thời, khiến ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn.

Ngót nghét 80, dấu ấn tuổi tác hiện rõ trên khuôn mặt “lão Địch”. Nhưng ông vẫn rất minh mẫn, hoạt bát, nhớ hết những dấu mốc quan trọng trong đời.

Ngót nghét 80, dấu ấn tuổi tác hiện rõ trên khuôn mặt “lão già Địch”. Nhưng ông vẫn rất minh mẫn, hoạt bát, nhớ hết những dấu mốc quan trọng trong đời. Ảnh: Sự Hương Vui

Ông Địch từng được cả phường gọi là “ông già gàn dở” vì chuyên nhặt nhạnh những chiếc mũ bảo hiểm cũ, mang về “chất đống” trong nhà. Buổi sáng, ông dậy sớm đi tập thể dục, tiện thể nhặt mũ bảo hiểm người ta bỏ đi mà vẫn còn giá trị sử dụng. Ông lau chùi, sửa lại cho mới rồi phát miễn phí cho người cần, số còn lại ông gửi về quê ở Hà Tĩnh tặng học sinh nghèo.

Những quả tennis, cầu lông người ta bỏ đi mà vẫn còn mới, ông nhặt về cho trẻ con trong xóm. Dù nhỏ bé nhưng đối với lũ trẻ, mỗi thứ được tặng đều rất quý trọng.

Không chỉ “sưu tầm” đồ cũ tái sử dụng, ông Địch được nhiều người biết đến vì ngày nào cũng ngồi trước hiên nhà đợi khách đi xe ôm. Lạ ở chỗ khách của ông trả tiền tùy tâm, không cần mặc cả. Đặc biệt những người nghèo, bệnh nhân đi bệnh viện thăm khám, ông không lấy một đồng.

Thân cây cổ thụ trước cửa nhà ông Địch không còn treo mũ bảo hiểm như trước. Ảnh: Sự Hương Vui

Gia đình ông Địch không nghèo đến mức ông phải chạy xe ôm kiếm sống. Vợ chồng đều có lương hưu, gần như không cần lo nghĩ. Tuy nhiên, với ông Địch kiếm tiền không phải mục đích chính vì “Trời thương Phật độ cho còn khỏe mạnh, còn đi lại được là hạnh phúc. Nhiều người bảo tôi làm gì mà khổ thế, không phải khổ mà đấy là cái hạnh phúc, sung sướng nhất...”

Đến bây giờ, sức khỏe không cho phép phải ngừng chạy xe, ông vẫn lưu luyến, cảm thán kể về kỷ niệm ngày trước: “Có lần tôi chở một cụ 80 tuổi đi lạc về nhà ở Cầu Bươu (Thanh Trì). Con cụ mừng rỡ cảm ơn, rồi định biếu tôi tiền. Tôi nhất quyết không nhận, chỉ bảo giúp cụ, đó là thứ tình cảm vô giá giữa người với người mà tiền bạc không thể mua được.

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Địch hoài niệm về một tuổi trẻ, cuộc đời đầy sôi nổi và trải nghiệm. Được học hành tử tế, năm 1959 ông lên đường đi thanh niên xung phong, xây dựng đường chiến lược 12B Hòa Bình. Sau đó, ông học tại trường Đại học Sư phạm, sau khi tốt nghiệp về dạy tiểu học ở huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Trong thời gian này, ông được đi nhiều nơi để dạy bổ túc văn hóa mỗi dịp Hè, đồng thời kết hợp theo học Sư phạm Toán (Toán – Lý). Sau 5 năm, ông Địch xuống Hải Phòng làm giảng viên Đại học Hàng Hải, rồi sơ tán về Hải Dương, vào làm ở Chi cục Thủy sản Hải Dương. Cuối đời, ông về xí nghiệp ô tô số 3 ở Tân Bình, giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật sửa chữa ô tô cho đến khi nghỉ hưu năm 1993. Vợ chồng ông bà về sống tại phường Nguyễn Trãi (Hà Đông), ông chạy xe ôm, bà mở hàng nước cùng an hưởng tuổi già.

“Cả cuộc đời công tác, thích ở chỗ nào thì ở chỗ đấy nhưng điều chuyển chứ không bỏ đứt đoạn nên vẫn có lương hưu. Quan trọng là có nghề nghiệp, có trình độ, có sức khỏe. Điểm lại 40 năm công tác, từ 1959 đến 1993, mình tự hào vì đã được làm nhiều việc, không phải cố định một nghề nào đấy. Nên đến bây giờ về hưu rất thanh thản, không có vướng bận.”, ông chia sẻ với niềm vui.

Vợ chồng ông Địch nghỉ hưu cùng lúc, hàng nước vẫn mở đến tận bây giờ. Ảnh: Sự Hương Vui

Khi nghỉ hưu, ông lựa chọn công việc chạy xe ôm miễn phí cho người nghèo. Với "lão Địch", “nghề nào cũng có thú vui và còn sức khỏe là còn muốn cống hiến”. Vợ có ngăn cản, con trai những lúc khuyên bảo không được đã thu cả xe, ông vẫn muốn đi.

Chia sẻ về niềm vui nghề giáo, mắt ông Địch ánh lên niềm hạnh phúc. Như niềm mong muốn mọi người nhớ đến ông khi về già không phải một ông lão nhăn nheo, ốm yếu mà là một ông Địch hàng ngày vẫn nở nụ cười hiền hậu, cần mẫn chạy xe miễn phí, lan tỏa năng lượng tích cực đến cho mọi người...

Bà Nguyễn Thị Tân (phường Nguyễn Trãi, Hà Đông), hàng xóm nơi ông Địch sống cho biết, ở địa phương ông Địch và gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Những việc làm của ông Địch có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, hàng ngày ông Nguyễn Hữu Địch vẫn bền bỉ thực hiện những hành động dù nhỏ bé nhưng chứa đựng bao ý nghĩ lớn lao.

Năm 2019, ông được thành phố Hà Nội khen thưởng danh hiệu Người tốt việc tốt. Phần thưởng như một lời khích lệ, động viên ông cố gắng hơn nữa trong thực hiện việc thiện nguyện, tiếp tục noi gương Bác Hồ vĩ đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn