MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bếp ăn tình thương Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang là ngôi nhà thứ 2 của những bà con nghèo khó. Ảnh: PV

Gian bếp hơn 40 năm ở Kiên Giang nồng ấm nghĩa tình với người nghèo

NGUYÊN ANH - THANH VŨ LDO | 15/04/2021 06:30
Không chỉ phát đi những bữa cơm miễn phí mà bếp ăn tình thương Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang còn là điểm tựa cho những bệnh nhân, thân nhân nghèo giảm bớt khó khăn và tiếp thêm động lực để họ yên tâm điều trị.

41 năm đỏ lửa nhân ái

Thành lập từ năm 1980, từ 1 bếp ăn nhỏ chỉ nấu phục vụ từ 10 đến 15 bệnh nhân tại Khoa Lao; đến nay số lượng bệnh nhân, thân nhân mà bếp ăn phục vụ hơn 40 năm qua cũng không thể nào đếm xuể.

Với 2 buổi cơm trưa, cơm chiều; khoảng 450 suất cơm được phát đi mỗi ngày từ gian bếp này. Chỉ tính trong năm 2020, 162.000 suất cơm với tổng trị giá trên 1,6 tỉ đồng đã phục vụ miễn phí cho người dân. Đối tượng không chỉ là bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn có bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần, thân nhân nuôi bệnh và người dân nghèo ở ngoài.

Khẩu phần ăn phục vụ bệnh nhân nghèo được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng, dinh dưỡng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với 3 món như: cơm, kho và canh. Các món ăn cũng thường xuyên thay đổi hàng ngày tạo hương vị ngon miệng cho người bệnh và đảm bảo chất dinh dưỡng.

Ngoài phục vụ 2 suất cơm/ngày miễn phí cho bà con bếp ăn tình thương còn có nhiều hoạt động thiện nguyện khác phục vụ cho bà con. Ảnh: PV

Ông Lưu Kim Oai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang cho biết hoạt động của bếp ăn được Hội cũng như Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất quan tâm. Ông Oai chia sẻ: “Chúng tôi có được sự ủng hộ rất lớn từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó là sự đóng góp thầm lặng của những người làm thiện nguyện phục vụ cho bếp ăn”.

Nhân lên tấm lòng thiện nguyện

Để có những bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh như thế này mỗi ngày lực lượng tình nguyện viên phải thay phiên nhau đảm trách nhiều công việc của bếp ăn. Người đi chợ, người nấu nướng, người đi nhận thực phẩm do các nhà hảo tâm gửi cho như rau, củ, quả... Ai nấy đều thức giấc từ sáng sớm để chuẩn bị cho kịp phần việc của mình. Sự nhiệt tình, trách nhiệm, làm việc bằng cái tâm giúp người đã khiến họ có thêm sức mạnh để tiếp tục công việc không hề đơn giản này.

23 năm làm việc ở bếp ăn, bà Huỳnh Thị Mỹ vẫn say mê với công việc và còn vận động thêm người cùng tham gia với mình. Bà Mỹ chia sẻ: “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no. Bà con nghèo họ đã khổ vì bệnh tật rồi mình giúp được phần nào hay phần ấy. Cơm từ thiện nhưng phải ngon, phải sạch mình nấu cho họ ăn cũng như nấu cho chính mình ăn chứ không thể qua loa tùy tiện được”.

Những người tham gia làm việc tại bếp ăn tình thương đều đến bằng cái tâm và sự sẻ chia với những người nghèo khó. Ảnh: PV

Nhiều bệnh nhân phải điều trị lâu dài nhờ có phần cơm này mà họ giảm được rất nhiều chi phí. Bà Nguyễn Thị Năm, người nhà bệnh nhân cho biết: “Nhà tôi thì ở quê xa xôi, hoàn cảnh khó khăn lên đây trị bệnh lâu ngày dài tháng tiền bạc phải đi vay mượn. May mà có bếp ăn này thì những người khó khăn như tôi coi như được cứu 1 phần”.

Không 1 đồng lương, tất cả những người tham gia đều làm phục vụ miễn phí cho người dân nên nhiều người đến ăn cơm cũng tự nguyện tham gia phục vụ giúp lại cho bếp ăn. Cũng chính những việc làm thiết thực đầy tình nhân ái này đã lan tỏa rộng khắp và thu hút các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thường xuyên hỗ trợ tiền, gạo, rau củ, mắm muối, gia vị… cho bếp ăn.

41 năm trôi qua, bếp ăn tình thương vẫn duy trì và phát triển lớn mạnh, là địa chỉ nhân đạo quen thuộc là ngôi nhà thứ 2 của bà con nghèo tìm đến với sự quý mến và trân trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn