MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ chàng trai khuyết tật, hiện anh Hậu làm chủ 3 xưởng mộc. Ảnh: Lương Hà

Hải Phòng: Chàng trai khuyết tật làm chủ 3 xưởng mộc, dạy nghề miễn phí

Lương Hà LDO | 26/01/2023 11:00

Không may mắn như những người khác, từ khi sinh ra, anh Nguyễn Hữu Hậu (38 tuổi, ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã có một đôi chân không bình thường. Nhưng với nghị lực và ý chí vươn lên, hiện anh Hậu là ông chủ của ba xưởng mộc với hàng chục công nhân và dạy nghề miễn phí cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

Bước ngoặt năm 18 tuổi

Năm 1999, khi anh Hậu đang học lớp 8, bỗng chân tay co quắp mạnh khiến anh mất khả năng đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào bố mẹ và các em. Để có thể tiếp tục đi học, hàng ngày anh được bạn bè cõng tới trường.

Nhớ lại những ký ức xưa cũ, anh Hậu buồn bã kể: "Ngày đó, để chạy chữa bệnh cho tôi, mẹ bán cả đàn lợn, bố bán chiếc xe xích lô - nguồn kinh tế chính của gia đình, rồi đưa tôi đi khắp nơi chữa bệnh. Nhưng tới đâu, gia đình cũng nhận được những cái lắc đầu. 

Thời điểm này, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần khiến tôi phải bỏ dở việc học. Nghĩ lại ngày các bạn thi vào cấp 3, tôi nằm lủi thủi trên giường, buồn không tả hết".

 Anh Nguyễn Hữu Hậu đang đục hoành phi, câu đối. Ảnh: Lương Hà

Nhiều năm liền, anh Hậu chống chọi với những cơn đau và tập lê quá nhiều tới mức chân và hai bên hông anh bị chai sạn, nổi thành u thịt to.

Bước ngoặt đến với anh Nguyễn Hữu Hậu khi anh học nghề mộc để tận dụng năng khiếu mỹ thuật của mình vào năm 18 tuổi. 

Sản phẩm mộc do anh Hậu làm. Ảnh: Lương Hà

"Để giúp tôi có động lực trong công việc, mỗi sáng bố hoặc em trai lại bế tôi lên xe, chở đến xưởng mộc gần nhà học việc. Thời gian đầu, tôi được giao đánh giấy ráp, tiền công 20.000 đồng/ngày. Sau một năm, chủ xưởng bắt đầu cho tôi học đục những chi tiết đơn giản" - anh Hậu nói.

Cơ thể vốn yếu ớt nên việc phải ngồi tập đục, đánh giấy ráp khiến anh Hậu toàn thân đau đớn. Nhưng những lời xì xào, bàn tán "làm được gì!" của mọi người khiến anh có thêm tinh thần, ý chí cố gắng hơn.

Mở xưởng mộc riêng, dạy nghề miễn phí

Suốt quá trình học mộc, tay nghề anh Hậu dần cải thiện. Những bộ đi văng, tủ ly, tranh tứ quý do anh đục đẽo được khách hàng hài lòng.

Đến năm 2009, anh Hậu quyết định cùng em trai thứ ba về nhà mở xưởng làm riêng, với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng, nhờ bố mẹ đi vay lãi giúp.

"Cũng nhờ sự ủng hộ của mọi người nên công việc ở xưởng mộc ổn định. Chỉ sau khi mở xưởng được 6 tháng, số tiền chúng tôi vay hỗ trợ làm vốn đã được cháu trả hết.

Năm 2022, với hơn 5 tỉ đồng tích lũy, Hậu đầu tư mua đất và mở thêm hai xưởng mộc ở tỉnh Sơn La. Nay Hậu trở thành trụ cột kinh tế, cùng các em đóng góp, xây nhà mới cho bố mẹ ở" - bà Bùi Thị Mai (mẹ anh Hậu) chia sẻ.

 Xưởng mộc của anh Hậu. Ảnh: Lương Hà

Là người thấu hiểu khó khăn của người khuyết tật, anh Hậu đã dạy nghề miễn phí cho 20 người cùng cảnh ngộ và trẻ mồ côi. 5 người trong số đó đã mở xưởng mộc riêng.

Năm 2015, anh Nguyễn Hữu Hậu cùng bạn bè lập câu lạc bộ "Khát vọng cuộc sống" để kết nối các bạn trẻ khuyết tật, giúp đỡ nhau tự tin hòa nhập, giúp ích cho cộng đồng.

Hiện tại, anh Hậu là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật huyện Thủy Nguyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ "Khát vọng cuộc sống" nên anh đã kết nối với Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng để giới thiệu cho 100 người khuyết tật vào làm việc.

Mới đây, anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn