MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đoàn từ thiện từ Đà Nẵng và các huyện Quảng Nam đang đổ về Tây Giang hỗ trợ bà con sau trận lũ quét lịch sử. Ảnh: Công Hưng

Hàng trăm suất quà hỗ trợ đổ về Tây Giang sau trận lũ quét

THUỲ TRANG LDO | 22/09/2020 14:54

Những ngày qua, bất chấp những con đường về với núi rừng Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã trở nên lầy lội, thậm chí là bị chia cắt vì cầu treo gãy, hàng trăm điểm sát lở do lũ quét, những chuyến xe mang đầy ắp hàng cứu trợ vẫn gắng sức lên với bà con. Họ mang đến những bộ quần áo, bịch cá khô, thùng mì tôm để mong san sẻ với người dân sau cơn lũ quét lịch sử.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, các huyện miền núi Quảng Nam trong đó có Tây Giang đã hứng chịu cơn mưa lớn từ ngày 17.9 kéo dài đến 18.9 gây nên trận lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Tây Giang bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 5 gây mưa lớn. Ảnh: Bình Hưng

Hiện, chỉ riêng huyện Tây Giang đang có 130 điểm sạt lở lớn tại hầu hết tuyến đường, 10 chiếc cầu treo dân sinh bị gãy đổ. 50 nhà dân bị ngập lụt, hơn 100 ha diện tích lúa hè thu bị ngập úng do lũ, hàng chục con trâu, bò bị lũ cuốn trôi, hơn 10 ao cá bị lũ cuốn trôi, 10ha diện tích đất lâm nghiệp bị sạt lở.

Tất cả khiến hàng trăm người dân ở Tây Giang lâm cảnh khó khăn về lương thực thực phẩm, giao thông đi lại.

Biết được tình trạng đó, những ngày qua, hàng chục chuyến xe tình nguyện từ Đà Nẵng và Quảng Nam đã lên đường về với bà con.

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã đến với người dân mang theo đầy ắp nhu yếu phẩm. Ảnh: Trần Vinh

Có mặt ở Tây Giang những ngày đầu tiên sau trận lũ quét, anh Trần Đăng Vinh, nhóm Đà Nẵng tình người cho hay, với người dân Tây Giang, đây là lần đầu tiên nước từ dưới suối dâng lên tới cầu treo và cuốn trôi tất cả tài sản, nhà cửa ngập bùn, mùa màng mất trắng, mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến họ không kịp trở tay.

Chỉ có điều may mắn trời mưa ban ngày, mọi người kéo nhau lên núi tránh lũ kịp.

“Mang quà lên cho bà con thấy như muối bỏ biển, giúp được bà con ở các xã trung tâm nhưng còn 4 xã đang bị cô lập tắc đường, không cách nào liên lạc được” – anh Vinh trăn trở.

Nhiều chuyến hàng tiếp viện cũng lên đường, dù phải băng qua những quãng đường lầy lội, các nhóm vẫn quyết đến với người dân. Ảnh: Bình Hưng

Tuy nhiên, quyết không nản lòng, anh Vinh đã cập nhật thông tin, hình ảnh lên trang cá nhân và tiếp tục kêu gọi các hội nhóm từ thiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam lên tiếp ứng.

Để rồi, những ngày sau đó, nhiều đoàn xe khác đã nối đuôi nhau lên với Tây Giang. Nhiều đoàn đã xung phong đi “mở đường” vào các xã bị cô lập, tiếp cận và trao quà cho càng nhiều bà con càng tốt.

Với những nơi bị chia cắt, các đoàn còn cõng quà lội qua suối để vào thôn. Ảnh: Bình Hưng

Thậm chí, do cầu treo bị sập, gãy đổ, các hội nhóm không ngại cõng những suất quà lội suối để vào xã.

Biết bà con đang thiếu nước sạch để dùng do đường ống dẫn nước từ suối về bị vỡ, các đoàn lại hô nhau đi mua ống nước về lắp.

Niềm vui của người dân khi nhận những món quà nhu yếu phẩm trong lúc khó khăn. Ảnh: Bình Hưng

Tính đến hôm nay, hơn 700 suất quà từ lương thực thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm đã được gửi tới người dân. Mặc dù những món quà này chỉ giúp cứu đói, cứu rét trong một vài ngày nhưng đó cũng là tình cảm tương thân tương ái mà người dân Quảng Nam – Đà Nẵng dành cho nhau lúc hoạn nạn.

Chị An Bình - CLB Chuyến xe 0 đồng đi cùng đoàn cán bộ y bác sĩ Bệnh viện 199 của Bộ Công An tại Đà Nẵng đến trao tặng 160 suất quà cho bà con xã Tr’ Hy đã xúc động khi một người dân Tây Giang ôm chầm lấy mình.

“Đà Nẵng mới vừa chống dịch COVID-19 xong nhưng chẳng ai ngại lên đường, có phải đẩy xe qua bùn lầy hay lội suối mà mang quà đến cho bà con là hạnh phúc lắm” – chị Bình chia sẻ.

Anh Pơlong Pleng, chuyên viên phòng Văn hoá huyện Tây Giang cho biết, toàn huyện Tây Giang có 63 thôn. Trận lũ quét vừa qua may mắn không có thiệt hại về người nhưng đất sản xuất của hàng vạn hộ dân gần như mất trắng.

“Việc khắc phục sau lũ sẽ còn cần rất nhiều nguồn lực nên nay bà con nhận được quà gì đều quý cái đó. Nhiều đoàn còn đang có mong muốn đi xa hơn vào các thôn làng đang bị chia cắt, chúng tôi rất trân quý những tình cảm đó của mọi người lúc bà con Tây Giang gặp khó khăn” - anh Pơlong Pleng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn