MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và đại diện nhà trường trò chuyện, động viên các học sinh nhận bổng của Quỹ học bổng Vừ A Dính. ảnh: Huyên Nguyễn

Hành trình đặc biệt hàng nghìn km đến với học bổng Vừ A Dính

Huyên Nguyễn LDO | 14/04/2022 17:05

Từ Yên Bái, Nghệ An…, nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi khó khăn, con của bà con ngư dân đã đến TPHCM trải nghiệm môi trường học tập hiện đại qua chương trình của Quỹ học bổng Vừ A Dính. Đó là cả một hành trình để thay đổi bản thân, học tập kiến thức và thực hiện ước mơ.

Làm quen từ tiếng Việt đến bữa cơm có thịt

Đến nay, đã gần 5 năm, Vừ A Du (15 tuổi, ngụ tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) rời xa gia đình để một mình vào TPHCM học tập tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt. Du nhớ khi cậu học lớp 5, sau một buổi đi thả trâu về, em nhận được thông tin may mắn được trao tặng học bổng của Quỹ học bổng Vừ A Dính và sẽ vào TPHCM học tập.

Lúc này, cậu bé không suy nghĩ nhiều mà chuẩn bị tinh thần cho một hành trình mới. Thế nhưng, ngay buổi đầu vào nơi đất khách quê người, chàng trai dân tộc H’Mông đã muốn về nhà.

“Ngày đầu tiên vào trường, em muốn về ngay vì môi trường lạ lẫm và không có một người quen nào ở bên. Em cũng gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người. Em nhút nhát, không hay nói chuyện, khi nghe mọi người nói chuyện nhiều từ em không hiểu phải hỏi lại 2-3 lần. Em còn phải làm quen với việc thay đổi khẩu vị. Khi ở nhà, em chỉ ăn toàn rau thôi, hết rau luộc thì lại xào…, giờ vào đây hàm lượng dinh dưỡng thay đổi rất nhiều”, Du nhớ lại.

Vừ A Du nhận học bổng và học tập tại Trường Nam Việt. Em còn là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm 2020 Ảnh: NTCC

Cũng giống như Du, cô gái người Tày - Trần Thị Ánh Dương vẫn thầm cảm ơn cơ hội đặc biệt đã mang mình đến với một môi trường học tập hiện đại, năng động, khác hẳn bản làng của cô.

“Lúc đi vào TPHCM, em mới chỉ là cô bé học hết lớp 5. Xa gia đình em thấy hồi hộp và một phần lo sợ vì chưa bao giờ tự đi xa như vậy nhưng em cũng háo hức vì đến một nơi mới mẻ để học tập kiến thức. Em quyết tâm phải đi. Đây là một cơ hội rất quý. Đó cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời em. Mang đến cho em nhiều kiến thức, bố mẹ cũng không vất vả để nuôi em ăn học nữa vì nhà trường sẽ tài trợ toàn bộ chi phí học tập, ăn ở cho em. Ngoài ra, một năm em còn được hỗ trợ chi phí về nhà 2 lần”, Ánh Dương cho hay.

Học bổng hơn 50 tỉ đồng

Cho đến nay, Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt đã tổ chức nuôi dạy hoàn toàn miễn phí cho 70 học sinh của Quỹ học bổng Vừ A Dính với tổng giá trị hơn 50 tỉ đồng. Suốt 10 năm nay, nhà trường đã tổ chức nuôi dạy, chăm sóc miễn phí cho học sinh xuyên suốt từ lớp 6 đến 12, là con em của các đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, con của bà con ngư dân, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Các em học sinh đã nhận được sự dìu dắt, chăm sóc, dạy bảo tận tình của các thầy cô giáo.

Lãnh đạo Trường liên cấp Nam Việt đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Huyên Nguyễn

Hôm nay, ngày 14.4, Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt và Chủ tịch hệ thống đã tổ chức lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành tích này nhằm ghi nhận những cống hiến của cá nhân, tập thể nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, trân trọng sự đóng góp trong việc đồng hành cùng với Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”. Nhà trường cũng đã đầu tư rất nhiều kinh phí sửa chữa cho trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” ghi nhận sự đồng hành, trách nhiệm cao của các thầy cô giáo nhà trường với các hoạt động xã hội vì biển đảo, vì những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là sự ghi nhận, là phần thưởng cho những đóng góp của nhà trường, nhưng đó không phải là thành quả cuối cùng. Tôi mong tập thể nhà trường sẽ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, đổi mới tư duy, sáng tạo để phát triển hơn nữa, cống hiến hơn nữa cho ngành Giáo dục và cho Tổ quốc” .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn