MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình thầm lặng của những người cứu chữa bệnh nhân nhiễm virus Corona

Nhóm PV LDO | 06/02/2020 13:45

Chữa trị cho 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona, ekip gồm 30 người của bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Khó khăn, hiểm nguy là thế, song họ vẫn thầm lặng làm việc hết mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. 

“Đã có lúc nghĩ mình có thể nhiễm bệnh”

Sau 14 ngày cách ly điều trị, sáng 4.2, bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trao giấy ra viện. Anh chính là một trong những ca nhiễm virus Corona đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam vào những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. 

Bước ra khỏi phòng cách ly với sức khỏe hồi phục hoàn toàn, anh Li Zichao cảm động chia sẻ: "Tôi rất biết ơn đội ngũ y bác sĩ đã quan tâm chăm sóc cho tôi, không những về mặt vật chất mà còn cả mặt tinh thần".

Phòng cách ly Khoa bệnh Nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đội ngũ bác sĩ túc trực hằng ngày để chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Corona.

Mấy ai biết được rằng đằng sau sự khỏe mạnh hoàn toàn của anh Li Zichao là cả chuỗi ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Anh Nguyễn Minh Tâm – điều dưỡng tại bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn hằn rõ gương mặt mệt mỏi suốt một mùa Tết theo dõi, chăm sóc hai bệnh nhân nhiễm virus Corona là bố con anh Li Zichao. Trung bình mỗi ngày, điều dưỡng Tâm phải ở trong phòng cách ly 3 lần, mỗi lần vài giờ đồng hồ.

 Anh Nguyễn Minh Tâm (bên trái) điều dưỡng bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp chăm sóc 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona đầu tiên tại Việt Nam.

Công việc của một người điều dưỡng vốn đã nhiều vất vả, song chăm sóc, điều dưỡng cho bệnh nhân trong điều kiện đặc biệt với ca nhiễm virus Corona lại còn vất vả hơn gấp bội, vì phải luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào. 

Làm công việc vệ sinh phòng, kiểm tra ga giường, hướng dẫn nhắc nhở rửa tay, súc họng, chăm sóc với hai bệnh nhân có cách biệt về ngôn ngữ, ngoài vấn đề chuyên môn đòi hỏi người điều dưỡng còn có sự tận tụy, kiên nhẫn. 

“Tôi đã nghĩ đến việc không may bản thân lỡ nhiễm bệnh thì phải cách ly mình ra, tránh lây cho đồng nghiệp. Đã làm công việc này gần 20 năm, bây giờ nếu tính đến nguy hiểm nhất là tính mạng thì tôi cũng không sợ, thiệt sự không sợ. Phải làm việc hết sức kỹ lưỡng và tròn trách nhiệm của mình” – điều dưỡng Tâm, tâm sự.

Nhiều lúc, nhớ con quay quắt, anh Tâm cũng muốn được ôm hôn con nhưng vì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con, anh đã kìm chế những yêu thương đó lại. Rất may, con anh năm nay đã học lớp 7, đủ hiểu công việc đặc thù và rất chia sẻ với bố. 

Bác sĩ phải là người đầu tiên thực sự bình tĩnh

Là một trong những y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm virus Corona, BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Sang – Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn nghẹn ngào. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt của vị bác sĩ từng có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS, H5N1, H1N1…

Bác sĩ Ngọc Sang cho biết: "Là người cầm trịch, hơn ai hết bác sĩ phải là người giữ tâm lý vững vàng để trấn an tinh thần cả điều dưỡng, bệnh nhân và tránh những lo lắng của người thân đối với mình". 

Trước khi vào phòng cách ly, mỗi người phải uống ít nhất nửa lít đến 1 lít nước vì khi mặc trang phục bảo hộ mất rất nhiều nước, nếu thiếu nước rất đuối sức khi chạy đua với thời gian.  Việc này cũng là một "kinh nghiệm bỏ túi" chỉ có ở những người được tập huấn và có nhiều kinh nghiệm "trực chiến". 

Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, hai bệnh nhân là người nước ngoài, phải sống trong khu vực cách ly nên tâm lý không khỏi lo lắng. Ban đầu khi có kết quả dương tính với nCoV, bác sĩ cũng phải rất tinh tế trong cách giải thích, hướng dẫn cho người bệnh, để giúp họ hiểu, không hoang mang và hợp tác điều trị.

"Việc đáp ứng "gu ẩm thực" để họ ăn uống ngon miệng, có sức khỏe tốt cũng là một chuyện không hề nhỏ, vì đồ ăn của Việt Nam có nhiều món không phù hợp với người nước ngoài. Đơn cử như việc giữa khuya, họ muốn ăn thanh long thì mình vẫn phải chạy đi mua, để người ta cảm thấy thực sự được chăm sóc tận tình và an toàn khi ở đây” – bác sĩ Ngọc Sang chia sẻ.

Bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) nhiễm virus Corona, sau 14 ngày được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM) điều trị tích cực, đã hoàn toàn khỏi bệnh và xuất viện.

Những ngày qua đối với đội ngũ y, bác sĩ tại đây là những trải nghiệm mà không phải bất cứ thầy thuốc nào cũng được trải qua. Tất cả điều này giúp mỗi bác sĩ có thêm nhiều kinh nghiệm “xương máu” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp trong những điều kiện đặc biệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn