MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy cô giáo đi “mượn” điện thoại cho học sinh nghèo học trực trực tuyến. Ảnh minh hoạ: TT

Hiệu trưởng, cô giáo đi “mượn” điện thoại cho học sinh nghèo học trực tuyến

THUỲ TRANG LDO | 06/10/2021 11:09

Trong thời gian đợi TP.Đà Nẵng cho học sinh đi học trực tiếp, nhiều thầy cô giáo, hiệu trưởng nhà trường đã tìm mọi nguồn ủng hộ để có những chiếc điện thoại kết nối mạng gửi tặng học trò nghèo. Đó là thiết bị có thể giúp các em học trực tuyến cùng với bạn bè.

Trăn trở khi học sinh không thể học trực tuyến

Bắt đầu năm học hơn 1 tháng nay nhưng nhiều em học sinh tại Trường Tiểu học Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng chưa có điều kiện tham gia học trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú cho biết, toàn trường có 39 em học sinh không đủ điều kiện học online thì trong đó có 25 em học sinh đồng bào Cơ Tu. Điều kiện người dân xã Hòa Phú nói chung và đồng bào Cơ Tu sinh sống tại đây nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình không có điện thoại thông minh và máy tính để cho con tham gia học trực tuyến.

Không riêng gì các em học sinh ở vùng khó khăn mà ngay tại các quận huyện khác của TP.Đà Nẵng, vẫn có những học sinh không thể tham gia lớp học trực tuyến vì không có thiết bị.

Cô Lê Phương, giáo viên một trường tiểu học tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng kể, trong tháng đầu tiên của năm học mới, lớp của cô có 3 học sinh không thể tham gia học trực tuyến.

“Sau khi tìm hiểu ra thì mỗi gia đình một hoàn cảnh. Một em vì gia đình khó khăn không có điện thoại thông minh, một em có ba mẹ phải đi làm cả ngày nên không hỗ trợ hay kèm cặp con học được. Một trường hợp khác thì chính ba mẹ cũng ngại, không tìm hiểu việc học trực tuyến vì nghĩ rằng con chỉ học lớp 1, chưa cần học nhiều. Tuy nhiên, dù là bất kì lý do gì thì việc không theo lớp học trực tuyến sẽ khiến các em có thể không theo kịp bài vở khi học trực tiếp. Điều này cũng có thể tác động tâm lý trẻ như cảm thấy lạc lõng trong lớp học” – cô Phương kể.

Tìm mọi cách để xin, mượn điện thoại cho học trò

Trước những thực tế đó, các thầy cô giáo đã tìm mọi cách để có thiết bị cho các em tham gia lớp cùng các bạn. Cô Nguyễn Thị Tâm đã yêu cầu các thầy cô giáo chủ nhiệm nhà trường linh hoạt nhiều biện pháp khác nhau. Đối với những em ở gần giáo viên dân tộc thì được hỗ trợ học tập, một số em thì được chở đến tại các thôn khác để học cùng bạn bè. Số còn lại giáo viên phải in bài gửi trực tiếp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường và Công đoàn trường Tiểu học Hòa Phú còn kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài TP.Đà Nẵng; cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường đóng góp, hỗ trợ.

“Nhà trường rất mong các mạnh thường quân, phụ huynh, giáo viên… cùng chia sẻ với các em học sinh nhà trường vượt qua khó khăn, giúp các em có thiết bị học tập trực tuyến tại nhà trong tình hình dịch bệnh COVID- 19” - cô Tâm mong mỏi.

Còn với cô giáo Phương, sau khi tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh của học sinh, cô Phương đã gọi điện nhiều lần thuyết phục, trao đổi để cùng với gia đình tìm cách cho các em theo học lớp trực tuyến.

“Tôi cũng đăng thông tin lên nhóm phụ huynh trong lớp rồi kêu gọi bạn bè của mình để mượn điện thoại thông minh cho học sinh nghèo. May mắn là nhiều phụ huynh hưởng ứng, có người còn góp kinh phí để mua sim cho các em học tập, có người gửi tặng điện thoại. Nhờ sự động viên đó, các phụ huynh khác cũng cố gắng cho con theo học cùng với bạn bè” – cô Phương cho hay.

 Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Khê trao học bổng và thiết bị cho học sinh nghèo.

Không chỉ có thầy cô giáo mà nhiều tổ chức, đoàn thể tại TP.Đà Nẵng cũng đã hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em”. Không chỉ trao những suất học bổng như mọi năm cho học sinh khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Khê năm nay đã trao tặng 26 thiết bị học tập trực tuyến cùng 75 suất học bổng, 357 suất quà, áo quần, vở học sinh với tổng giá trị gần 348 triệu đồng cho các em là con hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, không có điều kiện trang bị thiết bị học tập trong năm học 2021-2022.

Với sự chung tay góp sức đó của từng thầy cô giáo, từng tổ chức, cá nhân trong xã hội, hy vọng rằng mọi học sinh đều có thể tiếp cận được với tri thức ngay giữa dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn