MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh cấp 2 nhặt được 70 triệu đồng chủ động tìm người đánh rơi trả lại

Ái Vân LDO | 31/08/2021 10:00
Học sinh Nguyễn Dân An (Hà Nội) nhặt được số tiền 70 triệu đồng đã quyết tìm người bị mất để trả lại. Em chia sẻ ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm cảnh sát để bảo vệ chính nghĩa.

Sợ người đánh rơi lo lắng nên đi tìm trả lại

Đó là những chia sẻ của em Nguyễn Dân An, học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tại chương trình Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Lan tỏa Lối sống đẹp” do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chiều 30.8.

Dù sinh ra trong một gia đình thuộc diện cận nghèo nhưng mới đây khi nhặt được số tiền hơn 70 triệu đồng, cậu học sinh nghèo đã quyết tâm đi tìm người bị mất để trả lại.

Chủ nhân của những món đồ và tiền có giá trị ấy mong muốn tặng tiền và quà cho An nhưng em nhất định từ chối nhận tiền, chỉ nhận món quà là một chiếc ba lô và đôi giày thể thao để hàng ngày theo bước chân em tới trường.

Học sinh Nguyễn Dân An lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2. Ảnh MT

An chia sẻ: Hằng ngày em được học rất nhiều bài học hay từ thầy cô giáo và bạn bè ở trường. Về nhà lại được mẹ và anh trai bảo ban thêm. Ở trường, rất nhiều lần em nhặt được bút, thước hay cục tẩy, và cả tiền nữa, nhưng chủ yếu là tiền lẻ.

Tất cả em đều để lên bàn của thầy để thầy trả lại cho các bạn vì em nghĩ nếu bạn làm mất đồ, bố mẹ bạn lại mất tiền mua. Còn ở nhà, có lần mẹ kể với em, mẹ đánh rơi đồ, tưởng đã mất, nhưng may mắn là có một cô đã nhặt được, đưa lại cho mẹ. Mẹ đã rất vui vẻ khi kể lại với em điều đó. Nên em nghĩ rằng, ai cũng sẽ thấy rất vui khi tìm lại thứ mình đã mất.

Học sinh Nguyễn Dân An chia sẻ tại chương trình.

“Do đó, vừa qua, khi em nhặt được chiếc ví mà bên trong đầy tiền và giấy tờ, điều đầu tiên em nghĩ đến đó là chiếc ví của người khác và cần phải trả lại cho họ. Chắc chắn họ đang rất lo lắng, đi tìm. Họ mà thấy lại chiếc ví, họ sẽ vui lắm” – cậu học sinh lớp 6 chia sẻ.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, An chia sẻ ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm cảnh sát. “Con thấy các chú công an, cảnh sát rất tốt, lại oai nghiêm, nhiều người nể phục. Con cũng muốn giống như các chú để bảo vệ chính nghĩa” – An nói.

Truyền ngọn lửa nhân ái

Chương trình cũng giao lưu cùng cô giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội được mệnh danh là “người truyền lửa” nhân ái.

Dành nhiều thời gian ngoài giờ làm việc để tham gia công tác thiện nguyện, một trong những hành động nhận được nhiều sự chia sẻ của phụ huynh với cô Phương đó là hoạt động hiến máu nhân đạo.

Cô Phương chia sẻ, cô bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2008, khi còn là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Mai. Lúc đầu, gia đình rất phản đối, vì lo sợ không an toàn trong quá trình hiến máu.

“Tuy nhiên sau một thời gian dài tôi tích cực tuyên truyền và tiếp tục tham gia hiến máu, hiện nay gia đình tôi đã hoàn toàn ủng hộ, chồng tôi đã tham gia hiến máu cùng vợ lần đầu ở tuổi 50, con trai lớn của tôi đủ 18 tuổi cũng tham gia. Không chỉ ở gia đình, ở các trường nơi tôi đã và đang công tác, từ chỗ mọi người e ngại đến khi hiểu thì số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia hiến máu một cách tự nguyện ngày càng tăng. Có năm học, 20 lượt cán bộ, giáo viên tham gia hiến máu trên tổng số 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường” – cô Phương nói.

Cô giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hoàng chia sẻ tại chương trình.

Cũng theo cô Phương, việc tham gia các hoạt động từ thiện của cô nhận được sự ủng hộ tích cực từ mọi người và lan toả những hành động đẹp.

"Trong tháng 5.2021 vừa qua, khi Ban Thiếu niên phát động đã có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên tự nguyện đến trường, chỉ trong 4 buổi đã làm hơn 1000 chiếc mũ chống giọt bắn để tặng các y, bác sĩ và tuyến đầu chống dịch" - cô Phương nêu dẫn chứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn