MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 10 năm cưu mang những mảnh đời bất hạnh của vị trụ trì già

Tạ Quang LDO | 08/07/2023 10:25

Xuất phát từ tấm lòng từ bi, Thượng tọa Thích Giác Thời (77 tuổi), Trụ trì chùa Phước Lâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã không ngại vất vả mà dang tay cưu mang nhiều mảnh đời khốn khó suốt 10 năm qua.

Mái ấm của những người không nơi nương tựa

Đến với chùa Phước Lâm, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tại đây có một mái ấm dưỡng lão rộng hàng chục ngàn m2 với sức chứa tối đa lên đến 140 người. Càng đặc biệt hơn khi mái ấm này được dựng lên để đón tiếp những vị khách là các cụ già neo đơn, không còn thân nhân hay bị người thân bạc đãi hoặc người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa.

Những cụ bị bệnh khó khăn khi di chuyển được chăm sóc tận tình. Ảnh: Tạ Quang

Thượng tọa Thích Giác Thời cho biết, ông về làm trụ trì chùa Phước Lâm vào năm 1989 và bắt đầu với công tác từ thiện xã hội. Đến năm 2010, ông vận động xây dựng nên mái ấm dưỡng lão. Mái ấm gồm 4 khu: khu nam, khu nữ, khu dành cho những người lớn tuổi đi lại khó khăn và khu cho tình nguyện viên.

Không chỉ là nơi trú thân, tại mái ấm này, những hoàn cảnh neo đơn, khốn khó còn được ăn uống và chăm sóc tận tình. Mỗi ngày các cụ được phục vụ 3 bữa ăn: sáng, trưa, chiều. Để các cụ không ngán, nhà bếp cũng thường xuyên thay đổi món ăn hằng ngày. Riêng với những người đi lại khó khăn hay các cụ già đau ốm, tình nguyện viên của chùa sẽ mang cơm đến tận nơi.

Chưa hết, nếu ai đó bị đau bệnh, trụ trì sẽ nhờ những vị lương y làm việc tại phòng khám từ thiện trong chùa để khám và chăm lo sức khỏe tận tình. Còn đối với những ca nặng cần cấp cứu, trụ trì cũng không ngại đưa họ đến bệnh viện chăm sóc và một khi khỏe mạnh lại sẽ được đón về mái ấm.

Không dừng lại ở đó, khi những cụ lớn tuổi qua đời tại mái ấm, thượng tọa cũng lo lắng tang lễ chu toàn mọi thứ. Đặc biệt, dù có mất đi, tro cốt sau khi thiêu của họ cũng được trụ trì mang về, đặt tại tháp cốt trong chùa mà thờ cúng.

Mái ấm dưỡng lão rộng hàng chục ngàn m2 với sức chứa tối đa lên đến 140 người. Ảnh: Tạ Quang

Tiếng lành đồn xa khiến mái ấm ngày càng có nhiều người đến xin nương náu. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi sống trong mái ấm vì dù không phải ruột rà, nhưng lại được chăm sóc rất tận tâm.

Đã đến sống tại nhà dưỡng lão được 7 năm, cụ Quách Kiếm (74 tuổi) chia sẻ nếu ngày trước bà phải sống neo đơn, không nhà, lại tật nguyền ở chân thì từ khi vào ở tại đây, bản thân thấy rất vui, hạnh phúc bởi đã có quá nhiều sự quan tâm, có được gia đình mà mình hằng ao ước.

Hơn thế, việc được yêu thương không khác gì người thân trong gia đình còn làm cho nhiều người không muốn xa rời nơi đây: “Nhiều người khi con cái đến xin nhận các cụ về với gia đình nhưng ai cũng nhất quyết từ chối vì quý cái tình, cái nghĩa giữa mọi người với nhau khi ở đây.”, Thượng tọa nói.

Sự đền đáp của những người chịu ơn

Hơn 10 năm qua, không biết bao nhiêu mảnh đời đã được Thượng tọa Thích Giác Thời dang tay giúp đỡ. Cảm động và biết ơn tấm lòng từ bi của vị Thượng tọa, nhiều người trong số đó đã trở thành tình nguyện viên của chùa, chung tay săn sóc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn khác tại mái ấm.

Từng là một trong những người được Thượng tọa Thích Giác Thời dang tay giúp đỡ lúc khó khăn, bà Tăng Kim Hiền (57 tuổi) nay đã trở thành tình nguyện viên của chùa được 13 năm. Được biết, con bà bị bệnh máu trắng khi vừa tròn 3 tháng tuổi nên phải ra vào viện thay máu liên tục để giữ mạng sống. Khi phải đối mặt với khó khăn của chi phí điều trị, Thượng tọa đã hỗ trợ cũng như cho tá túc trong chùa. Nhờ đó, con bà sống khỏe mạnh đến nay và đang đi học như bao bạn cùng trang lứa khác.

Trụ trì cùng những người neo đơn. Ảnh: Tạ Quang

“Những tình nguyện viên đều là người được thầy giúp đỡ, rồi phát tâm ở lại chùa hỗ trợ các cụ tại nhà dưỡng lão. Ngày ngày chăm sóc, dần dần gắn bó, thấy các cụ vui, khỏe là mình vui theo. Vì vậy, chỉ mong các cụ khỏe mạnh và sống vui mỗi ngày.” - bà Hiền nói.

Tương tự như thế, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (66 tuổi) cũng xem các cụ trong nhà dưỡng lão như người thân của mình.

“Tôi phụ trách hỗ trợ khu của những người lớn tuổi di chuyển khó khăn. Tôi tìm thấy niềm vui từ việc chăm sóc các cụ ở đây. Tuy nhiên, mỗi khi có cụ nào qua đời vì tuổi cao, sức yếu hay đợt dịch COVID-19 bùng phát, tôi lại thấy buồn lòng. Cứ một cụ ra đi, cảm giác mất đi người thân thích khiến bản thân ray rứt, bởi từ lâu tôi đã coi họ như cha mẹ mình”. – bà Dung tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn