MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Cứ với nồi cháo hơn 21 năm ở bệnh viện quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Ảnh: Thuỳ Trang

Hơn 20 năm cần mẫn với nồi cháo tình thương

Thuỳ Trang LDO | 26/12/2020 07:58
Hơn 20 năm có lẻ, từ y bác sĩ đến người bảo vệ tại BV quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đã quen với hình ảnh ông Đỗ Cứ (sinh năm 1949, trú phường An Hải Đông, Sơn Trà) cùng nồi cháo ấm nóng. Bất kể trời nắng hay mưa gió, 6h sáng 3 ngày trong tuần, ông Cứ cần mẫn chở nồi cháo đến bệnh viện, đi một vòng gọi mời mọi người, cẩn thận múc cháo vào những chiếc cặp lồng rồi chẳng quên cúi người “cám ơn” chẳng khác nào phục vụ khách hàng.

Ông cán bộ làm chuyện “không đâu”

Vốn là cán bộ nhà nước, ngoài giờ làm việc, từ năm 1999, ông Cứ đã tham gia vào Hội từ thiện quận Sơn Trà. “Thời điểm đó, hội kêu gọi mọi người tổ chức nồi cháo mỗi ngày tại bệnh viện quận Sơn Trà, nhà tôi ở gần đó nên tôi xung phong nhận. Cho đến khi về hưu, tôi lại càng có thời gian rảnh nên vẫn tiếp tục làm đến bây giờ” - nói đến đây, ông Cứ nhẩm tính: “Vậy mà đã 21 năm rồi”.

21 năm, nồi cháo của ông Cứ vẫn luôn ấm nóng với những người bệnh. Nếu trước đây, ông Cứ nấu cháo mỗi ngày thì nay, nhận thấy người bệnh có lúc không nhiều, cộng với việc đã có tuổi, nồi cháo của ông Cứ chỉ đỏ lửa 3 ngày trong tuần là thứ 2, 4 và 6. Dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chỉ có ngày bão hay lễ Tết, ông Cứ mới tạm nghỉ.

“Nhiều người thấy tôi làm việc này cho tôi là gàn dở, làm chuyện không đâu, tự ôm việc về mình. Nhưng tôi cứ lẳng lặng làm vì biết nhiều người vẫn cần mình, vẫn chờ thùng cháo của tôi mang đến mỗi ngày” - ông Cứ kể.

Suy nghĩ đơn giản và tích cực, mỗi ngày, người cán bộ về hưu đều dậy sớm để đi chợ. Chính tay ông chọn tìm các nguyên liệu. Đơn giá 1kg gạo để nấu mà Hội từ thiện quận Sơn Trà đưa ra là 10.000 đồng/kg nhưng ông chọn loại 17.000-18.000 đồng/kg. “Gạo đó nấu cháo mới ngon, người bệnh thấy thơm ngon thì ăn mới dễ. Ai bị đau ốm cũng khó ăn uống cả” - ông Cứ lý giải.

Cũng chính vì vậy, mỗi tháng, dù nhận được tiền từ hội để duy trì nồi cháo, nhưng ông Cứ luôn trích thêm tiền lương hưu hay vận động bạn bè, người thân của mình để góp thêm dinh dưỡng cho nồi cháo. Có nguyên liệu rồi, ông Cứ dậy từ 3h sáng để băm thịt, cắt rau củ. Để được nấu cháo phát ở bệnh viện, ông Cứ còn phải đi học thêm khoá an toàn thực phẩm. Chưa hết, vì cháo cho bệnh nhân nên ông nhớ kỹ lời bác sĩ dặn không được cho nếp vào nấu cùng vì người ăn có thể mới mổ xong, không nấu cháo xương vì sợ các cháu nhỏ bị hóc.

Nồi cháo nóng, ấm tình người

Tận tuỵ với từng mớ gạo, miếng thịt, để mỗi lần thùng cháo của ông Cứ mở ra, mùi thơm hấp dẫn nhiều em nhỏ ở khoa Nhi của bệnh viện.

Chị Nguyễn Lê (quận Sơn Trà) đang chăm con gái ở khoa Nhi cười nói: “Mấy hôm nay, cháu rất khó ăn uống. Vậy nhưng cứ thấy ông Cứ với thùng cháo màu đỏ đặt xuống trước cửa khoa, cháu lại chỉ tay kéo tôi ra. Những ngày trời lạnh, có lúc nghĩ chắc bác không đến vì tuổi cao nhưng thùng cháo quen thuộc vẫn đều đặn giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo 3 ngày một tuần”.

Trong suốt cuộc chuyện trò hay múc cháo tặng cho mọi người, ông Cứ luôn cười nói vui vẻ. “Tôi sẽ làm cho đến khi không còn đủ sức chạy xe, mang thùng cháo nữa thì thôi” - ông Cứ cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn