MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền xúc động đến lễ tri ân, gặp mặt các cá nhân, đơn vị tiêu biểu đã tham gia vận chuyển, cấp cứu người bệnh COVID-19 do Thành uỷ TPHCM tổ chức sáng 30.1. Ảnh: Anh Tú

Lái xe cấp cứu F0: Xác định tham gia chống dịch có thể không trở về

Huyên Nguyễn - Anh Tú LDO | 30/01/2022 13:49

TPHCM - Vui, xúc động và thấy ấm lòng – đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ cố tài xế Phan Thành Minh Nhựt - lái xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 cảm nhận khi tham gia buổi họp mặt các cá nhân, đơn vị tiêu biểu đã tham gia vận chuyển, cấp cứu người bệnh COVID-19 do Thành uỷ TPHCM tổ chức sáng 30.1

Những đóng góp thầm lặng 

Anh Phan Thành Minh Nhựt đã tử vong sau một va chạm giao thông hồi tháng 11.2021 khi tham gia cấp cứu người bệnh COVID-19 chuyển nặng từ Bệnh viện Dã chiến Củ Chi lên Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Sáng nay, chị Tuyền đến nhận sự tri ân thay cho chồng cùng với các đồng nghiệp đã có đóng góp thầm lặng trong suốt đợt dịch qua.

Chị Tuyền nhớ lại thời điểm chồng báo tin tham gia chống dịch: “Nghe tin xong tôi lo chứ, bởi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân sẽ rất dễ lây nhiễm nhưng hồi xưa tới giờ anh đam mê với nghề tài xế của mình lắm nên tôi cũng ủng hộ. Mỗi ngày đi làm về anh Nhật đều chia sẻ với vợ, khó khăn nhất có lẽ là phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài nên rất ngột ngạt, khó thở”.

Chị Tuyền cho biết sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau này, kiếm một công việc để nuôi 4 đứa con khôn lớn. Ảnh: Anh Tú

Lau những giọt nước mắt lăn trên má, chị Tuyền kể: “Khoảnh khắc nghe tin anh bị tai nạn, tôi choáng váng. Nghe kể lại, anh gặp tai nạn nhưng vẫn điện về Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để mọi người sắp xếp ra cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, y tá, bác sĩ xong rồi anh hôn mê luôn và sau đó anh mất”.

Vốn chỉ ở nhà chăm sóc 4 đứa con nhỏ, giờ đây, người chồng là trụ cột chính trong gia đình đã ra đi mãi mãi, mọi khó khăn đặt lên vai người phụ nữ này. Chị Tuyền phải cố đứng vững để chăm sóc, nuôi dạy các con.

“Hai bé nhỏ 5 tuổi và 7 tuổi còn chưa hiểu chuyện, mỗi lần nhớ ba chúng vẫn hỏi “Sao ba đi lâu rồi chưa về?”. Tôi nghe thấy mà xót xa vô cùng. Tôi không hối hận khi đã ủng hộ anh tham gia chống dịch, chỉ buồn tủi, thiệt thòi cho các bé không còn cha” – chị Tuyền chia sẻ và cho biết sắp tới sau khi nguôi ngoai nỗi buồn sẽ phải kiếm công việc để có thể lo trang trải học phí, nuôi nấng các đứa con. Với chị Tuyền, những đóng góp của chồng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh sẽ mãi là niềm tự hào của chị và 4 đứa con nhỏ còn thơ dại.

Năm 2021, là năm TPHCM đã trải qua những tháng ngày lịch sử, khó quên, nhất là trong khoảng thời gian cao điểm từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và nặng nề. Một trong những biện pháp quan trọng không thể thiếu đó là thiết lập mạng lưới vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19. Các chuyến xe cấp cứu nghĩa tình, những câu chuyện, hình ảnh cao đẹp của lực lượng tài xế cứu thương chạy đua với tử thần, cấp cứu người F0 trước làn ranh sanh tử một cách nhanh chóng nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.

Anh Đặng Xuân Tùng – nhân viên hãng xe Mai Linh đã tham gia lái xe đưa đón bệnh nhân sau 2 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19 cho biết: “Biết là mới tiêm 2 ngày chưa có kháng thể đâu nhưng mà nếu mình sợ thì không có ai chung tay hết, khối công việc lớn đó ai sẽ làm? Tôi giấu vợ con tham gia, mãi đến khi tiếp xúc nhiều F0 rồi phải ở trong khu cách ly mới thông báo với gia đình”.

Tham gia công việc từ cao điểm cuối tháng 7, anh Tùng ban đầu thấy lo lắng bởi bệnh nhân đầu tiên mình chở là ở trong khu cách ly chuyển vào bệnh viện thì chỉ khoảng 4 tiếng sau họ mất, cuộc sống mong manh quá.

“Ban đầu thì sợ nhưng 1 ca, 2 ca rồi thì nỗi ám ảnh đó dần trở thành động lực để thấy trách nhiệm của mình là tạo cơ hội để họ được sống” – anh Tùng chia sẻ. Chính bản thân anh Tùng cũng xác định làm ngày nào hay ngày đấy, thậm chí có thể là đi rồi không trở về nhà được nữa.

Anh Đặng Xuân Tùng chia sẻ tại buổi họp mặt. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Thấy trách nhiệm của mình, anh Tùng bỏ lại những suy nghĩ đó phía sau. Có những lúc mặc đồ bảo hộ nhiều tiếng đồng hồ, khát nước cũng không dám uống. Có những bệnh nhân nặng cả trăm kí-lô, anh cũng tình nguyện lên lầu 2 - lầu 3 để khiêng xuống. Ròng rã 3 tháng như vậy, hầu như anh không có một giấc ngủ yên lành.

“Xong nhiệm vụ cảm thấy hạnh phúc. Từ nhỏ đến lớn mình chưa làm được gì lớn lao nên cũng quyết định làm điều gì đó để cho con học hỏi. Vợ động viên, còn 2 đứa con ở nhà rất tự hào về bố nên đó cũng là động lực để tôi tham gia đến cuối cùng”, anh Tùng bộc bạch và mong lãnh đạo thành phố có biện pháp mạnh mẽ để giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được.

Phải giỏi hơn nữa

Trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua, hình ảnh những chuyến xe đưa và đón người đi cách ly tập trung hay chở F0 đến bệnh viện điều trị bệnh đã trở nên thân quen. Tuy không phải là những chiến sỹ áo trắng trực tiếp nơi tuyến đầu, nhưng các bác tài xế, những tình nguyện viên tham gia cũng là những chiến sĩ dũng cảm, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao bất kể ngày hay đêm.

Cùng với lực lượng y, bác sĩ, những tài xế lái xe cấp cứu, các tình nguyện viên, là những bạn sinh viên ngành Sức khoẻ đi cùng cũng căng thẳng và áp lực không kém trong công việc của mình. Để từ đó, họ đưa ra những sáng kiến phù hợp với công việc của mình.

Lê Tấn Sang - sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhớ lại thời gian tăng cường hỗ trợ cấp cứu người bệnh. Một đêm khuya đi tới nhà cấp cứu bệnh nhân COVID-19, trong lúc chờ điều phối từ Trung tâm cấp cứu 115 bố trí đưa tới bệnh viện phù hợp, thì thấy người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng nên chủ động dùng phương tiện đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

“Khi vào đến bệnh viện, bằng kinh nghiệm ít ỏi của một sinh viên, tôi đánh giá tình hình người bệnh rất xấu, khó qua khỏi. Sáng hôm sau, người nhà nhắn một tin nhắn dài, cảm ơn vì đã hỗ trợ gia đình và thông báo bệnh nhân qua đời. Tuy biết trước tình hình và cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng vẫn cảm thấy rất buồn…”, anh Lê Tấn Sang bồi hồi.

Lê Tấn Sang cùng với đội sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tham gia nhiệt tình trong công tác chống dịch. Ảnh: Anh Tú

Từ nhỏ đã có ước mơ làm bác sĩ nên Sang quyết tâm: "Chỉ có cách phải giỏi hơn, bản lĩnh hơn, năng động hơn để chạy đua với tính mạng bệnh nhân" - đó là tinh thần để những ngày sau đó Sang lao hẳn vào cuộc và mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến để làm tốt hơn công việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn