MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn chim của lão nông Lâm Văn Huy xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Lão nông nhường đất, dành cả cuộc đời để gìn giữ chim trời

Phương Anh LDO | 06/08/2023 06:48

Dân gian có câu: “Chim trời cá nước - ai bắt được nấy ăn”. Ấy vậy mà ở một vùng quê Sóc Trăng, có một lão nông đã hi sinh nguồn lợi từ mảnh vườn, không quản nắng mưa, khó khăn, vất vả, dành cả cuộc đời để nuôi và bảo vệ chim trời như bảo vệ chính những người thân của mình.

3 thế hệ “nhường đất” cho chim trời

Khu vườn rộng gần 4ha bao quanh căn nhà gia đình ông Lâm Văn Huy (xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đang là nơi cư trú của hàng chục nghìn con chim trời. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến các loài cò, vạc, cồng cộc, điên điển…

Ông Huy chia sẻ, vườn cò này có từ thời nội của mình là ông Lâm Văn Sôm (nên còn gọi là vườn cò Sáu Sôm) tính ra ngón ngét gần 100 năm. Ban đầu, chỉ có một số vạc bay đến đây sinh sống. Sau đó thì cò, diệc, quắm đen, cồng cộc, điên điển, bạc má... lần lượt kéo về làm tổ, cứ thế tăng dần.

“Cũng thật lạ vì xung quanh có nhiều vườn nhưng chúng chỉ ở mỗi vườn nhà tôi. Cho là điềm lành, nên gia đình “nhường đất” cho chim trời, không xua đuổi mà để cho chúng sinh sôi nảy nở tự nhiên” - ông Huy cho biết thêm.

Ông Lâm Văn Huy thường xuyên ra vườn để thăm đàn chim trời. Ảnh: Phương Anh
Gần 4ha vườn cây là nơi trú ngụ của vô số chim trời. Ảnh: Phương Anh

Thương con cò, cái vạc, các thế hệ gia đình ông Huy đã không ngừng gây trồng thêm nhiều loại cây rừng như dừa, vẹt, mắm, bần, trâm bầu, bình bát... Rồi đào ao, khơi thông kênh mương, dành khoảng 1 ha trữ nước ngọt, thả cá để làm thức ăn cho chúng.

Vậy là từ vùng đất hoang sơ trở thành một khu sinh thái yên bình cho chim trời về đậu.

Cò - cá thể có số lượng đông nhất tại vườn nhà ông Huy. Ảnh: Phương Anh

Vạc là nhóm đầu tiên chọn nơi này xây tổ. Đây là loài chim thuộc bộ bồ nông - họ diệc, thường gặp là vạc có thân xám, chân và đùi vàng. Đặc biệt tại khu vườn này còn có chim điên điển hay còn gọi là chim cổ rắn. Đây là loại chim quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. Và cò là loại có số lượng cá thể nhiều nhất tại khu vườn này…

Chim điên điển - còn gọi là chim cổ rắn - loại chim quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam. Ảnh: Phương Anh

Quan sát từ trên cao thấy rõ sự phân chia ranh giới của các loài chim. Nếu cò trắng, cò nâu chọn các cây tre, dừa làm tổ thì vạc, cồng cộc lại chọn những cây cao, có lá to để xây tổ ấm.

Mỗi khi có những chú cò con, vạc con bị rơi ra khỏi tổ đều được ông Huy mang về nhà nuôi dưỡng cho cứng cáp rồi thả chúng về vườn. Có lẽ nhờ được bảo vệ an toàn nên chim cò kéo về trú ngụ tại vườn ngày càng nhiều.

Cò con đang được cò mẹ mớm mồi. Ảnh: Phương Anh

Dốc sức bảo vệ

Gắn bó với đàn chim mấy chục năm qua, ông Huy hiểu được quy luật sinh tồn hằng ngày của chúng.

Ông Huy cho biết: “Buổi sáng, cứ khoảng 6 giờ là các giống cò bắt đầu bay đi kiếm ăn. Sau đó, khoảng nửa giờ mới đến cồng cộc bay. Khoảng 17 giờ, các giống chim ăn ngày bắt đầu trở về, đến 18 giờ loài vạc mới bắt đầu bay đi kiếm ăn”.

Cò bay đi ăn trên cánh đồng vào buổi sáng. Ảnh: Phương Anh

Ông Huy thừa nhận, cũng đã có lúc ông muốn xua đuổi chúng đi để cải tạo đất nuôi tôm. Nhưng nghĩ đến công ông cha đã khai phá, trồng cây cho chim cò về ở từ trăm năm nay, ông lại bỏ ý định và tiếp tục ra sức bảo vệ. Tuy nhiên, khó nhất là bảo vệ bầy chim trước sự săn bắt của con người.

Ông Huy chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước, tình trạng săn bắt chim tại vườn nhà ông diễn ra thường xuyên. Cứ trời sụp tối, khi chim bay về tổ là bị người khác vào bắn phá. Buổi chiều, họ bắn các loại chim bay về vườn, buổi tối họ bắn các loại chim bay đi ăn đêm. Có thời điểm, chim trời sợ mà bỏ đi rất nhiều, gia đình phải thay phiên nhau canh trực. Sau đó, nhờ bà con lối xóm rồi chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay, tình trạng này đã giảm đi rất nhiều”.

Những đàn chim bay về trú ngụ sau một ngày kiếm ăn. Ảnh: Phương Anh

Ông Trần Văn Nhuận - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: Chăm sóc, bảo vệ chim trời không chỉ góp phần giữ gìn môi trường sinh thái mà việc làm của lão nông Lâm Văn Huy còn đang góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp cho miền quê nơi đây. UBND xã cũng tuyên truyền, vận động bà con địa phương cùng gia đình ông Huy bảo vệ đàn chim trời trước nạn săn bắt tận diệt. Bên cạnh đó là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn, để từ đó nhiều người biết đến vườn chim của gia đình ông Lâm Văn Huy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn